Sunday, May 1, 2016



Tại Sao Chúng Ta Thua?

Lại đến 30 tháng Tư. Có một câu hỏi luôn quanh quẩn trong đầu tôi bao năm mà tôi cho rằng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng :“Tại sao chúng ta thua?”. 

Tất nhiên đã có nhiều giải đáp cho câu hỏi này, tùy theo cách nhìn của mỗi người. Câu giải đáp thường gặp nhất là :”Tại người Mỹ bỏ rơi chúng ta” hay có vẻ cay cú hơn :”Tại người Mỹ phản bội chúng ta”. Dễ thật! nhìn thấy lỗi (có vẻ hiển nhiên) của người khác dễ hơn là đào sâu để tìm thấy câu trả lời đúng đắn cho chính vấn nạn của mình.

Xa hơn, chúng ta thường nghe nói đến:
- Nixon thấy khả năng làm ăn với Trung Cộng, mang lại lợi lớn cho Mỹ, nên bắt tay Trung Cộng, bỏ rơi miền Nam.
- Kissinger gốc Do Thái, muốn đem tiền bạc tiêu tốn trong chiến phí Việt Nam giúp Do Thái.
- Dân Mỹ mệt mỏi với cuộc chiến ở Việt Nam, hao tốn sinh mạng thanh niên và kinh tế Mỹ. Người Mỹ không thấy lối thoát trong cuộc chiến Việt Nam.
- Vụ Watergate khiến Tổng Thống Nixon không giữ được lời hứa giúp miền Nam khi Việt Cộng vi phạm hiệp ước Paris 1973, tấn công miền Nam vào mùa xuân 1975.
- Dư luận Mỹ cho rằng Quân đội và chính quyền miền Nam không muốn tự lực bảo vệ mình mà chỉ mong chờ ở Mỹ.
- Chính phủ miền Nam tham nhũng, khiến quốc hội Mỹ không còn muốn giúp miền Nam, cấm Mỹ can thiệp vào cuộc chiến sau hiệp ước Paris 1973.

 Xem ra câu trả lời nào cũng có chỗ đứng của nó, có những lý lẽ để bênh vực cho lập luận của mình. Với người Việt trên dưới bảy mươi đều thấy gần như không chối cãi được, mọi lý do trên đều góp phần cho sự sụp đổ của miền Nam vào tháng Tư Bảy Mươi Lăm.
* * *
Lịch sử cho thấy sự hình thành Quốc Gia Việt Nam là do quốc trưởng Bảo Đại muốn tạo dựng một quốc gia trong Liên Hiệp Pháp. Nhưng sau cuộc trưng cầu dân ý năm 1956, Thủ tướng Việt Nam bấy giờ là Ông Ngô Đình Diệm được bầu làm Tổng Thống. Ông Diệm đã có một cơ hội vô cùng quí báu để xây dựng một quốc gia non trẻ trong khối tự do, và trong giai đoạn đầu ông đã làm được điều đó. Nhưng tính cách quan lại, phong kiến trong việc xây dựng và cai trị đất nước, để thành phần bên dưới lợi dụng uy thế để hạch sách và tham nhũng, ông đánh mất dần lòng tin nơi quần chúng trong nước và nơi bạn bè trên thế giới. Khoảng đầu thập niên 60, công chức miền Nam thấy lương hàng tháng của mình bị trừ một khoản không được báo trước và không rõ ràng, hỏi ra thì được trả lời khoản tiền ấy là để xây dựng thánh địa La Vang. Có thể ông Diệm không ra lịnh này, nhưng thuộc hạ của ông làm để tâng công. Lại nữa, cũng trong thời gian ông làm tổng thống, mỗi lúc chào cờ, sau Quốc Ca là bài suy tôn Ngô Tổng Thống. Ông không thể nói không biết vì chính ông đang đứng trên lễ đài, đang nghe người ta suy tôn mình… Người tổng thống được coi là anh minh như ông Diệm phải cảm thấy xấu hổ, phải biết ngượng khi nghe bài hát ấy. Ông cũng trị nước bằng cách ban ơn phước cho họ hàng, em cháu và những kẻ xu nịnh. Thậm chí những người theo Công Giáo cũng có điều kiện để lợi dụng. Tôi còn nhớ, ngày còn nhỏ, ông cha xứ của họ đạo đến với người nghèo trong xóm tôi, nói với họ: theo đạo đi, mỗi tháng sẽ được nhà thờ phát gạo, quần áo… Gạo phát ra từ trong bao có hai bàn tay bắt nhau: đó chính là Gạo Viện Trợ của nhân dân Mỹ cho nhân dân Việt Nam, không phải gạo dành cho giáo hội. Người ta sẽ nói: đó là do kẻ dưới làm bậy, nhưng Việt cộng sẽ dựa vào đó để có những lý lẽ vững chắc lợi dụng tuyên truyền.

Tôi cho rằng, Việt Nam đã có rất nhiều cơ may để trở thành hùng mạnh nhờ những điều kiện khách quan ở thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông đã để vuột mất cơ hội đó. Có lẽ ông đã chủ quan cho rằng ông là người duy nhất cần cho miền Nam, người khá nhất đã được Mỹ lựa chọn. Ông có công lớn trong bước đầu xây dựng nền tảng cho chế độ dân chủ ở miền Nam và cũng chính ông đã bỏ mất cơ hội tạo dựng sự đoàn kết, đẩy mạnh sự phát triển nền tự chủ cho một quốc gia non trẻ. Cả vùng Đông Nam Á lúc ấy chỉ có ông là người lãnh đạo được kính nể, ông đã tạo được phép mầu trong giai đoạn đầu: diệt Bình Xuyên, thu phục các lực lượng thuộc các giáo phái, kiện toàn những khu dinh điền, khu trù mật, kiến tạo một quân đội tương đối có qui củ, gây dựng một nền kinh tế ban đầu chỉ dựa vào nông nghiệp, sau tiến dần đến sản xuất công nghiệp, dù chỉ mới sơ khai. So sánh với các nước khác trong vùng, Việt Nam lúc đó nếu không hơn thì cũng tương đương với Thái, Phi, Đài Loan, Nam Dương, Singapore và Nam Hàn.  Cho nên sự thất bại của ông phải bị qui trách là ông đã không để mình biến thành người của quần chúng, ông đi dần đến hình ảnh của một nhà lãnh đạo độc tài không nhìn thấy những kẻ xu nịnh quanh mình, dựa hơi để kiếm chác quyền và tiền, chính họ tạo khoảng cách trung ương với quần chúng, gây chia rẽ giữa các thành phần xã hội mà đáng lẽ phải tạo sự đoàn kết để đứng vững.  Cách lãnh đạo của chính quyền miền Nam lúc ấy đã tạo điều kiện cho Việt cộng tuyên truyền, lôi kéo kẻ bất mãn. Biến cố Phật Giáo là một minh chứng rõ ràng nhất. Chúng ta giải thích thỏa đáng thế nào khi một loạt những trí thức miền Nam bỏ ra bưng theo Cộng Sản, theo Mặt Trận Giải Phóng do Bắc Việt tạo nên?  Nếu ông là một lãnh tụ tạo mối đoàn kết mọi thành phần xã hội thì tại sao một số lớn sinh viên, thợ thuyền, nông dân…  ra ngoài bưng theo Việt cộng. Đành rằng kẻ hám danh thời nào cũng có nhưng chúng ta khó giải thích cho ổn sự bỏ đi của nhiều thành phần trong xã hội lúc ấy, có hiểu biết hay năng động, mà đáng lẽ phải cùng nhau “đoàn kết sau lưng Ngô Tổng Thống” như một khẩu hiệu lúc bấy giờ.  Câu trả lời dễ thấy là chính phủ không biết hay không muốn sử dụng họ, trung ương bị che mắt.

Và cũng trong giai đoạn ông làm tổng thống đã hình thành dần sự ỷ lại vào Hoa Kỳ. Một lần, có người quen là một đại úy quận trưởng nói với tôi, lúc đó chỉ là là học sinh đệ nhất ban trung học ”cháu nhìn xem, quân phục của chú từ giày vớ đến cả quần áo lót là của Mỹ, súng đạn của Mỹ, xe cộ, xăng nhớt cũng của Mỹ… ngày nào Mỹ cúp viện trợ, mình lấy gì đánh nhau…” nghe ra thấy cay đắng, mười mấy năm sau câu nói ấy trở thành sự thật. Ông Diệm chắc cũng biết câu “ai chi tiền, người ấy điều khiển; thế lực nào đưa mình lên, thì cũng thế lực đó kéo mình xuống”.  Cho nên không lạ gì khi ông không muốn nghe lời Mỹ nữa, không muốn cho Mỹ đổ quân vào Việt Nam, Mỹ bật đèn cho đảo chánh, đưa một đám biết vâng lời lên, tạo thành cái gọi là Đệ Nhị Cộng Hòa.

* * *
Trong thời đệ nhị Cộng Hòa đó, sau khi lớp tướng lãnh già cỗi chịu ảnh hưởng của Pháp hết uy tín quyền hạn, lui dần về phía sau, thì một số sĩ quan trẻ trong quân đội ý thức được vai trò của mình, nên dù thượng tầng kiến trúc không ra gì nhưng họ đã biết phải chiến đấu cho cái gì, vì cái gì. Tết Mậu Thân, mặt trận An Lộc, mùa hè Đỏ Lửa…  là những hình ảnh kiêu hùng không thể chối cãi của quân đội. Họ đã tạo được ít nhiều tin tưởng trong quần chúng. Người dân cảm thấy an toàn khi chạy về phía họ trong những cuộc giao tranh.  Những đơn vị tổng trừ bị tinh nhuệ của miền Nam đã khiến đối phương phải nể sợ và tránh đụng độ. Mạng lưới bộ binh cấp sư đoàn cộng với hệ thống địa phương quân, nghĩa quân cũng gây khó khăn cho Việt cộng. 

Có điều, chừng đó vẫn chưa đủ, miền Nam còn thiếu cái gì?

Thiếu tinh thần tự cường. Người ta chưa giáo dục được cho người dân lòng tự trọng, lòng tự hào dân tộc.  (Tôi không thích đem các dân tộc khác so sánh với mình, nhưng về phương diện này quả thật chúng ta thua Nhật, Nam Hàn, Singapore rất xa.) Cho nên, xã hội miền Nam cứ từng bước lún sâu vào sự ỷ lại vào người Mỹ.  Một vị Tổng Thống như Nguyễn Văn Thiệu chỉ biết chơi bài thấu cáy khi ra lệnh bỏ cao nguyên, chỉ biết tuyên bố trên các cơ quan truyền thông : Mỹ viện trợ ba trăm triệu, mình đánh giặc theo kiểu ba trăm triệu. Câu này không phải của một nguyên thủ, câu này chỉ nên là câu nói của một người lính đánh thuê. Ông Thiệu không học được gì khi mất Hoàng Sa vào năm 1974.  

Hoàn cảnh xã hội lúc đó tạo nên tâm lý sống chụp giựt, ma mãnh, và tiếp theo là tạo tham nhũng cho những kẻ có quyền, có thế. Một cái ghế tỉnh trưởng tốn bao nhiêu? Một chỗ quận trưởng các quận nội thành Saigon giá bao nhiêu? Có ai chỉ cho chúng ta thấy những người tài giỏi, tốt nghiệp từ các trường Hành Chánh, Chính Trị được đặt vào những vị trí xứng đáng qua một hệ thống tuyển chọn công minh và bình đẳng chưa… Tổng trưởng các bộ Giáo dục, Thanh niên, Xã hội, Nông nghiệp… sao không phải là những người trong nghề mà lại là các người mang chức danh bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư? 

Chỉ trong quân đội, người ta mới thấy những người có đủ chuyên môn ở những vị trí thích hợp. Chúng ta không thấy những bác sĩ, kỷ sư làm tư lệnh sư đoàn, quân đoàn, ngay cả cấp tiểu đoàn hay đại đội cũng không … Ở những vị trí đó, trong mọi quân binh chủng, chúng ta chỉ thấy những người lính chuyên nghiệp, tốt nghiệp từ các trường huấn luyện chuyên nghiệp. Và cũng vì vậy các cấp chỉ huy trong quân đội miền Nam ngày càng nhiều hơn những con người có ý thức, có lòng, chu toàn nhiệm vụ mình một cách nghiêm chỉnh, nhờ sự tôi luyện trong kỷ luật, phần lớn đi lên nhờ tài năng của mình, thay thế cho những gốc cây già cỗi, mục nát từ thế hệ trước. Cho nên khi biến cố Ba Mươi Tháng Tư ập tới như một cơn bão, người dân mới ngơ ngác nhìn các nhà lãnh đạo của mình, các tướng lãnh ở trung ương bỏ chạy trước cùng gia đình, bà con nội ngoại, bỏ mặc cho đất nước bị dày xéo, bỏ mặc bao người cầm súng chiến đấu vào những giây phút cuối cùng, để họ an toàn trốn chạy, bỏ lại biết bao quân nhân công chức cho kẻ thù làm nhục, bỏ lại những người con Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Hồ Ngọc Cẩn, Lê Nguyên Vỹ… khẳng khái tuẫn tiết vì thấy mình không làm tròn bổn phận mình với tổ quốc.  Cũng phải nhắc tới những đơn vị đơn lẽ chiến đấu anh dũng trong cô đơn tuyệt vọng trước khi tan hàng. Trận đánh để đời ở Xuân Lộc, Long Khánh của sư đoàn 18 bộ binh với tướng Lê Minh Đảo, chặn đứng đường tiến tưởng chừng không cưỡng nổi của chiến xa và mấy sư đoàn lính Bắc Việt vào cuối tháng Tư đã chẳng làm cho báo chí thế giới ngạc nhiên đó sao. Rồi trận tử thủ trên cầu Xa Lộ, không phải do những tướng lãnh ở Tổng Tham Mưu đang tìm đường trốn chạy, mà chính là do những người lính rất bình thường.

Tháng Tư lại về, bồi hồi nhớ lại bối cảnh xã hội miền Nam trước kia, để tìm câu trả lời cho câu hỏi nêu ở đầu :” Tại sao chúng ta thua?” để thấy câu giải thích ”Tại người Mỹ bỏ rơi chúng ta” đơn giản quá. 

Và tai hại hơn khi chúng ta không chịu tìm cho ra ”Tại sao người Mỹ bỏ rơi chúng ta?”.  Chúng ta đã làm gì đến nỗi khi trong trận chiến Hoàng Sa 1974, tàu của Đệ Thất Hạm Đội ở gần đó mà bất động (kể cả việc tiếp cứu các thủy thủ); làm gì đến nỗi để người Mỹ muối mặt đứng nhìn Việt cộng coi thường Mỹ trong việc vi phạm hiệp định Paris tấn công miền Nam – Mỹ sợ Trung Cộng đến độ không dám làm gì sao? Hay còn những lý do nào khác? 

Tôi muốn đẩy câu hỏi này xa hơn ”Tại Sao Hoa Kỳ Đã Không Bỏ Rơi Nam Hàn, Nhật, Đài Loan Mà Bỏ Rơi Chúng Ta?”

Câu hỏi này đến nay chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Hòa Đa
Tháng 4 - 2016

Sunday, November 29, 2015



Ngày Ấy






30/4/75



Sáng 30/4/1975, sau khi nghe thông điệp đầu hàng của Dương Văn Minh, cả phòng giáo sư yên lặng... cho đến khi ai đó vặn tắt chiếc radio giữa phòng...



Lúc đó tôi là Tổng Giám Thị của trường Trung Học Tống Phước Hiệp Vĩnh Long. Sau khi họp  với bà Hiệu Trưởng và ông Giám Học, tôi trở về phòng Tổng Giám Thị, bật máy phóng thanh của trường và thông báo cho toàn thể học sinh ra về, lúc đó đang giữa buổi học nên xe buýt học sinh không hoạt động. Tôi đã yêu cầu tất cả học sinh, nhất là các em ở xa, phải tìm đủ mọi phương tiện về nhà ngay...



Vẫn còn nhớ, sáng 30/4 ấy, mọi sinh hoạt ở Vĩnh Long vẫn như mọi ngày, xe buýt học sinh vẫn chạy, chợ búa vẫn họp. Mọi việc vẫn bình thường, hay ít ra cũng có vẻ bình thường. Chỉ sau khi lệnh buông súng của Dương Văn Minh loan ra, sinh hoạt ở thị xã mới có vẻ hối hả hơn một chút.



Tôi về nhà, trên đường Văn Thánh, không biết làm gì, đầu óc hoàn toàn trống rỗng.



Xế, ngồi uống cafe ở quán Ánh Hồng, cạnh nhà, đối diện là viên Trung Úy Đại Đội Trưởng (?) của đồn quân cảnh bên kia đường. Cả hai cùng yên lặng hút thuốc... Tôi hỏi anh sao không về nhà? anh bảo đã cho tất cả thuộc cấp đi rối, chỉ còn anh và một viên sĩ quan nữa còn ở lại thôi...Cả hai lại yên lặng, mỗi người theo đuổi suy nghĩ của mình, không biết anh nghĩ gì, riêng tôi mọi việc có vẻ như ngỡ ngàng, dù tin tức hàng ngày cho thấy miền Nam đang trong cơn hấp hối.  Vợ tôi sang nhờ tôi chở đi chợ mua thêm lương khô để trử... anh nhờ tôi ghé sạp thuốc lá mua giùm mấy tút thuốc Ruby quân tiếp vụ, e rằng rồi không còn thuốc này để hút...



Buổi tối, đàn ông cả xóm ngồi đầy quán cafe bình dân của Giáo Bảo. Họ ở nhà không biết làm gì, ra quán ngồi bàn đủ thứ chuyện, kể đủ thứ chuyện... cho đến hai giờ sáng tôi mới về nhà, cố dỗ giấc ngủ chập chờn.



Sáng 1/5, tỉnh giấc, nghe lao xao trước cửa, bước ra... bà con xì xào:
- Giáo sư coi, việt cộng kìa…


Vài ba anh du kích nón tai bèo, súng đủ loại với vài người bận bà ba đen, hì hục đẩy chiếc xe jeep hết xăng, ngừng lại trước đồn quân cảnh, vào trong hỏi xin xăng. Bên trong, trên cột cờ vẫn còn phất phới chiếc cờ vàng ba sọc đỏ. Sau khi đám Việt Cộng đi khỏi, hai viên sĩ quan làm lễ hạ cờ. Chỉ còn hai vị sĩ quan chào nhau...






*  *  *





1/5/1975

Sau khi xem hai sĩ quan Quân Cảnh hạ cờ trong khuôn viên của đồn Quân cành tư pháp, tôi trở vào nhà không biết phải làm gì. Tin tức gia đình ngoài Phan Thiết hoàn toàn không có, hai đứa em, một Nhảy Dù, một Thủy Quân Lục Chiến cũng biệt vô âm tín. Lòng hoang mang vô cùng.

Nói với vợ: để anh lên trường thử xem sao, không có gì thì anh về. Đang dắt xe ra khỏi nhà thì một chiếc xe lam, trên có vài chú nhóc mang băng vải đỏ, thông báo qua chiếc loa pin gắn trên nóc, gọi tất cả công chức phải trình diện ngay lập tức tại nhiệm sở... với những lời lẽ đầy hăm dọa.


Lên trường, giáo sư dần dà tập họp khá đầy đủ... họ chờ đợi, vì không biết phải làm gì.

Học sinh vắng bóng. Lác đác trong sân trường vài người lạ...

Chừng hơn một giờ sau, một toán người áo bà ba đen, dép râu, nón tai bèo tiến vào, người đi đầu mang theo lá cờ MTGP. Bà Hiệu Trưởng mời vào văn phòng: Họ đến để tiếp thu trường, người tiếp thu là một cựu học sinh của trường, ngày trước từng học với cô hiệu trưởng, vẫn còn giữ ít nhiều tư cách, thưa gởi đàng hoàng. Họ xin phép hiệu trưởng treo cờ lên... Một vài đồng nghiệp rút chiếc băng đỏ đeo vào tay trước sự ngỡ ngàng của những người còn lại. Sau đó là họp hành... là những triển khai... là những chỉ thị.

Những ngày tiếp theo, dưới sự phân công của ban giám hiệu mới, các thày cô và các học sinh chia nhau thành nhiều toán đi lao dộng, chủ yếu là quét chợ, quét đường. Rồi thì các buổi học tập chính trị "Đế Quốc Mỹ xâm lược nước ta...Nhân dân ta anh hùng…Lao động là vinh quang...", thuyết trình viên ngồi rút chân lên ghế, huyên thuyên nói, thầy cô giáo ngồi yên, lặng thinh nghe...

Rồi danh sách các giáo sư (bây giờ được đổi là các giáo viên) được niêm yết trên hai bản đánh máy. Nhìn vào hai danh sách người ta có thể đoán được ít nhiều chuyện gì sẽ xảy ra cho mình. Cuối cùng, mọi người cũng biết rõ ai là người được lưu dụng, ai phải về quê.

Khoảng tháng sau, trường sửa soạn cho năm học mới, tất cả giáo viên lưu dụng qua Cần Thơ tập huấn chính trị và nghiệp vụ. Lần đầu tiên thấy “cụm từ” Hai cách mô tả vĩ mô và vi mô của thuyết động học trong chương trình Vật Lý lớp 11... Trở lại trường, tôi đươc anh em bầu làm Tổ Trưởng Vật Lý. Sách giáo khoa do nhà xuât bản giải phóng gửi về, môn nào cũng có, trừ môn Vật Lý. Anh em nhìn nhau hỏi : dạy cái gì?... Thì thôi đành ngồi lại với nhau soạn bài dạy, dựa theo chương trình có trong tay… Nửa chừng sách giáo khoa gửi về dưới dạng ronéo, lỗi đánh máy đầy dẫy trên từng chương. Thôi thì có còn hơn không.

Rồi thì họp nhau soạn “giáo án” để “lên lớp”, với phần mở đầu luôn luôn là “mục đích yêu cầu”. Dạy một môn khoa học như Toán,Vật Lý, Hóa Học… mà luôn phải “nặn” cho ra một mục đích yêu cầu, nhiều khi là ngoài khả năng của giáo viên. Một giáo viên “ngụy” bảo nhỏ: “thì cứ viết đại dạy cho học sinh tinh thần khoa học, sáng tạo  hay một câu đại loại ca tụng đảng và nhà nước cho xong, có ai đọc đâu mà lo”, thành ra cái gọi là mục đích yêu cầu của bài dạy trở thành thứ để mọi người lôi cái khuôn ra dùng.

Chừng gần cuối năm học (tháng 4/1976), một sáng, sau hai tiết đầu, trong phòng giáo viên lại có một danh sách. Ngay sau đó, một thông cáo cho biết các giáo viên trên danh sách lập thủ tục bàn giao cho người có trách nhiệm, chuẩn bị đi học tập cải tạo bảy ngày... Ngày tập trung, một hàng xe GMC đậu trước cửa trường Tống Phước Hiệp. Người dân, thân nhân, phụ huynh và học sinh chen nhau đứng bên kia đường, hoang mang nhìn đám thầy giáo lủi thủi trèo lên mấy chiếc GMC. Một số học sinh và phụ huynh bạo gan đến gần, chuyền đại lên xe vài gói thuốc lá, ổ bánh mì... cho bất kỳ người nào họ với tới, bất kể lạ quen, cùng với lời dặn ráng giữ gìn sức khỏe.

Xe chuyển bánh về hướng Long Hồ.

Chuyện mở sang một trang khác.


*  *  *



KHÁM LỚN TRÀ VINH

Hôm trước ngày tôi phải đi trình diện, học sinh hết nhóm này đến nhóm khác, đến thăm. Cũng chẳng có gì để nói ngoài những câu rất chung chung: thầy ráng giữ gìn sức khỏe…Công an khu vực tới làm việc, bảo tôi nên tránh mặt. Đồn quân cảnh trước nhà ngày trước, bây giờ là trụ sở của Thị Xã Ủy. Các em cứ ra vô hoài, bất tiện.  Chiều tối, hai học sinh nữa lại đến, trong đó có một em là đoàn viên, từ ngoài Bắc vào, còn em kia là lớp phó. Thầy trò chỉ biết nhìn nhau yên lặng sau những chào hỏi đầu tiên. Cuối cùng trước khi ra về, em đoàn viên nắm tay tôi nói: người ta bảo thầy là tập trung bảy ngày, sẽ không phải như thế đâu, thầy nên sửa soạn tâm lý… Sửa soạn gì? Thật sự tôi không thể nghĩ gì xa hơn việc ngày sinh đứa con thứ hai của vợ tôi gần kề, không biết lúc nào. Dù tin lời của em học sinh, tôi cũng chỉ biết mang theo vài bộ quần áo, chăn mùng… và một ít lương khô. Vả lại, cũng không biết phải mang theo gì, bỏ lại gì. Còn tiền bạc, gần như tôi dành hết số tiền lương ít ỏi còn lại của mình cho vợ tôi để chờ ngày, số tiền tiết kiệm trước kia trong Việt Nam Thương Tín và Saigon Ngân Hàng tan theo mây khói từ hồi nào rồi…

Đoàn GMC chở đám thầy giáo khởi hành về hướng Trà Vinh khá muộn, chừng như muốn tránh sự tò mò của ngưới dân. Anh em không biết sẽ đi đâu. Có người còn bàn: chắc sẽ chở xuống Ba Động, người khác bàn: Trà Ôn, ai cũng có lý do để giải thích tại sao… Gió thốc vào xe không phủ mui thấy lạnh, may mà xe chất đầy cứng anh em. Lúc đoàn xe ngừng lại trong ánh đèn đường vàng vọt, trời đã tối hẳn, một tiếng nói thầm nhưng cũng đủ cho cả xe cùng nghe: Khám lớn Trà Vinh. Cả đám lục tục xuống xe, vào trong sân, chờ lục soát đồ dùng cá nhân mang theo, tất cả vật dụng bén nhọn đều bị tịch thu, ai mang tiền bạc nhiều phải gửi lại cho ban quản lý trại giam. Xong thủ tục khám xét, tất cả bị lùa vào sân trong, sau cánh cửa song sắt có khóa. Bao quanh sân là các dãy phòng nhốt tù nhân. Những người bị giam ở trần trùng trục trong phòng, đu bám đầy ở cửa, tò mò nhìn tốp mới vào. Một tiếng kêu lên từ một phòng giam: Thầy giáo tụi mày ơi! Tao thấy thầy H., ơ thầy Q. nữa kìa. Thầy giáo làm gì mà bị bắt vào đây? – Không có câu trả lời.

Mấy ngày trong khám lớn Trà Vinh chưa thấy gì khổ cực, chỉ có chật chội thôi, thêm nỗi lo cho vợ gần ngày sinh nở. Tôi ở phòng giam ngang bốn mét, dài khoảng hơn mười lăm mét nhốt tám chục người, cuối phòng là một cầu tiêu chồm hổm, hầu hết là anh em giáo giên của thị xã Vĩnh Long. Mỗi người chỉ đủ chỗ cho một chiếc chiếu nhỏ phủ lên nhau, làm chỗ ngã lưng vào ban đêm, người này sát người kia, kín hết phòng; còn ban ngày, thu dọn chỗ ngủ, ngồi quanh phòng hay ra sân bắt chước bạn tù ở từ trước mài sừng trâu làm kẹp hay trâm cài tóc. Cả ngày quanh quẩn trong sân, nhìn bông cây sao bên ngoài rụng, xoay xoay trong gió…Phòng giam nền xi măng tróc lỗ chỗ vài nơi, vách tường, mái tôn. Ngày nóng, cổi trần trùng trục mà vẫn nóng, đêm chen chúc nhau như cá mòi trong hộp, ai cũng nhơ nhớp mồ hôi… cũng phải chịu đựng thôi, đâu phải ở nhà của mình, đây là khám lớn Trà Vinh mà!…

Rồi lệnh phải viết lý lịch, kê khai từ ông cố, ông nội…kê khai cả lý lịch bên vợ… viết đi viết lại, đến nỗi thuộc lòng những gì đã viết… rồi đến những bài học chính trị cũ mèm: từ bài đầu đế quốc Mỹ xâm lược nước ta… đến bài cuối lao động là vinh quang, nội dung không khác với những bài đã học khi tập huấn chính trị và nghiệp vụ hồi đầu niên khóa… Ngày học tập, triển khai ở hội trường, tối hội thảo ngay tại phòng ngủ. Lương thực ngày hai bữa cơm nhão lưng bát và một ít đồ ăn tanh tưởi nuốt không trôi (về sau mới thấy vẫn còn khá hơn so với anh em sĩ quan thuần túy bị giam ngoài Trung, ngoài Bắc).

Một anh thiếu úy của Địa Phương Quân, quê Trà Ôn đang mạnh khỏe, bỗng sau một đêm sáng ra cứng ngắt, chết từ hồi nào, anh nằm cách một bác sĩ quân y một chiếc chiếu… chờ ba ngày không thấy thân nhân xuống, lệnh đem chôn: sáu người với hai cái vá (xẻng làm ruộng của nông dân) khiêng anh lên một ngôi chùa Miên gần đó, trong một đêm mưa rả rích… Mấy ngày sau, vợ anh, con gái và cha anh xuống xin nhận xác đem về. Phải làm đủ mọi giấy tờ cam kết về quê là chôn ngay, không được làm đám tang, không được khóc lóc… Sáu anh bạn tù khiêng chôn hôm trước, được gọi ra lên chùa bốc mộ nạn nhân cũng trong một đêm tối trời mưa lâm râm. Gia đình kiếm được một cỗ áo quan khá tốt thay cho chiếc quan tài gỗ tạp của trại giam cung cấp. Đào lỗ, chôn xuống thì dễ, móc lên khó trần thân vì mưa mấy ngày, đất pha cát hút chặt quan tài, lại không dám xeo đào mạnh tay, sợ bể bung. Ông già thắp nhang khấn thầm, vợ lẩm bẩm trong nước mắt: “anh về với vợ con, không lẽ anh muốn nằm đây một mình sao anh”, mấy anh bạn đào mộ cũng bùi ngùi. Đã hơn bảy ngày, tử thi đã bốc mùi… Đem được xác lên, thay vội áo quan, gia đình đi ngay trog dêm tối mịt mù.

Một tù nhân khác, được vợ lên thăm, mang theo hai đứa con còn nhỏ, khoảng năm bảy tuổi. Chị vợ hỏi xin ban quản trại cho gởi hai đứa nhỏ, chạy ra chợ mua ổ bánh mì cho chồng… rồi đi luôn, báo hại hai đứa nhỏ tự nhiên phải ở tù với ba nó hết mấy ngày, chờ ông bà nội xuống mang về.

Nhìn chung, lúc đó chỉ mới hơn một năm sau ngày “giải phóng”, chế độ còn do ban quân quản, chưa giao về cho công an, nên chưa có vẻ khắc nghiệt lắm.

Tôi vẫn không có tin tức gì từ gia đình, nhẩm tính ra có lẽ vợ tôi đã sinh rồi, lành dữ ra sao mà không thấy tin. Tôi cũng không biết phải gì hơn là cắn răng chịu đựng mà lòng cứ bồn chồn. Lúc này trong anh em có tin đồn lạc quan học xong bài cuối thì về, thầy giáo biệt phái mà, có tội gì nặng với nhà nước cách mạng đâu mà phải học tập lâu. Thế rồi, đang học nửa chừng, bỗng nhiên có lệnh sửa soạn đi lao động. Mấy anh em tù ở từ trước đến chúc mừng: đi lao động là sắp được về. Lại dấy lên lòng lạc quan ngây thơ ở anh em: mình sắp được về.  Sáng hôm sau, lại chất nhau lên GMC, có người lại tin chắc họ sẽ đưa đi Bến Giá hay Ba Động để cùng lao động với học sinh… rồi về. Nhưng không phải, cả đoàn khoảng một trăm năm mươi thầy giáo sĩ quan biệt phái, cấp bậc cao nhất là thiếu tá, thấp nhất là chuẩn úy bị nêm chặt xuống hai ghe chài, không ai được lên trên, ghe chạy hơn một buổi, ngừng lại. Tất cả đều ngỡ ngàng khi bị lùa vào trong một vòng kẽm gai khá dày, với vài dãy nhà tôn… mãi sau mới biết nơi đó trước là căn cứ khẩu đội pháo binh 105 ly của chi khu Long Khánh, thuộc huyện Duyên Hải của Trà Vinh. Chi khu này cùng với đặc khu Long Toàn, Cồn Cù và Trường Long Hòa hợp thành một vành đai an toàn cho huyện Duyên Hải trước kia, đối diện với vùng oanh lích tự do, cũng là vùng kiểm soát của Việt cộng, ngay tại cửa của một nhánh sông Hậu đổ ra biển Đông ở Láng Cháo. Vẫn có tin đồn, từ thân nhân theo “cách mạng” của anh em ở Vĩnh Long cho biết, sắp được về. Cái thứ tin đồn chết tiệt nuôi dưỡng lòng hy vọng trong anh em. Ai cũng vịn vào đó để sống qua ngày… Chạng vạng, muỗi bay như vãi trấu, quơ đại một cái, thế nào cũng nắm được vài con. Anh em được chia thành mấy đội, đội của tôi gồm mấy anh em chuẩn úy, thiếu úy và vài trung úy, có vẻ như nhẹ “ký” nhất so với mấy đội kia. Mỗi đội bầu ra một đội trưởng, và cả trại bầu một đại diện chánh và hai phó để nhận chỉ thị từ ban trại.




***







HỒNG KỂ CHUYỆN

Anh ấy đi rồi, tôi hoàn toàn như mất hết sức lực. Lủi thủi dắt thằng con mới ba tuổi trở về nhà, lòng trống rỗng. Nằm vật ra giường, nước mắt trào ra.

Buổi cơm tối, nghe con hỏi: “Ba đâu?” mà lòng quặn đau - Con ăn cho giỏi đi, Ba đi công chuyện rồi. Tối, ôm con vào lòng lại nghe con hỏi: tối rồi sao Ba chưa về hả Mẹ - Con ngủ cho giỏi đi, Ba thương…

Rồi cũng phải cho nó biết sự thật thôi: Ba con phải đi học tập - Chừng nào Ba về - Ba học tập tốt rồi về. Tôi không biết trong trí trẻ thơ ba tuổi hiểu thế nào là học tập, thế nào là học tập tốt, nhưng đó là tất cả những gì tôi có thể nói với con. Lúc đó tôi mới hai mươi bảy, từ ngày có đứa con đầu tôi xin thôi làm cán sự xã hội ở Ty Xã Hội Vĩnh Long, tiền lương giáo sư của chồng tuy chưa dư giả nhưng không thiếu. Bây giờ, tôi phải đối mặt với vấn đề mưu sinh, mà trước mắt là việc sinh nở gần kề.

Năm ngày sau khi anh đi, tôi chuyển bụng. Đem vội thằng bé xuống gửi thiếm Ba gần nhà, bà hối đi nhà thương, còn gọi giùm cho chiếc xe lôi đạp. Cũng may tôi đoán là gần ngày sinh nên đã chuẩn bị mọi thứ cần thiết, bỏ hết vào trong một túi đệm, để sẵn ở đầu giường, cần là xách đi ngay. Ra đến bệnh viện, bụng đau trì, đi không nổi, ghi tên xin khám. Trên phiếu xin khám, tôi đã mắc phải một lỗi lầm tai hại: trong mục nghề nghiệp của chồng, tôi ghi giáo viên, học tập cải tạo. Cô y tá với hai bím tóc, đọc xong phiếu, xếp để đó, mặt lạnh lùng, giọng sắc lẽm gọi tên từng bệnh nhân vào khám, còn tôi cứ chờ, chờ… và chờ. Cơn đau cứ kéo tới… tôi lần mò đến hỏi y tá, xin vào khám vì đau bụng quá, cô chỉ lạnh lùng buông thỏng: cứ đợi đó…

Nhân một lúc cô y tá trực không có mặt, một y tá khác đi ngang, ngầm ra dấu chỉ ra phía trước, tôi gượng bước theo. Cô nói nhanh: “em là học trò cũ của Thầy, sao cô khai thầy đi học tập làm gì vậy, con mẻ không cho cô vào đâu, em đã nói với cô mụ Bảy rồi, cổ nói cô mau lên nhà của cổ liền đi, cổ theo về liền bây giờ”. Tôi thật không tin vào tai mình, con người có thể đối xử vô nhân đạo tới ngần ấy sao. Ráng nhịn đau, tôi lê dần ra cổng, đón xe lôi lên nhà cô mụ Bảy, ngày xưa đã từng là bảo sanh viện tư của cô, và tôi đã sinh cháu lớn ở đó ba năm trước. Cô Bảy về kịp lúc, khám cho tôi xong, cô nói, bà giáo sư sinh bây giờ, cô sao thiệt thà quá, ở phường biết ông giáo sư đi học tập chớ ở nhà thương làm sao họ biết? – Tôi không còn đủ sức để trả lời… Chỉ một lúc sau, tiếng khóc chào đời của đứa bé mới làm tôi lấy lại chút tỉnh táo, tiếng cô mụ, một thằng con trai nữa bà giáo sư ơi…

Nhưng rồi tiếng cô mụ mơ hồ bên tai: tôi nói với bệnh viện về ăn cơm, không thể ở đây quá lâu, mà cô giáo cũng phải về thôi, phòng bào sanh của tôi đóng cửa lâu rồi, phường biết tôi còn hoạt động sẽ kẹt lớn cho tôi, tôi đã gọi sẵn xe lôi, tôi sẽ chạy theo cô.

Thế đó, tôi sinh thằng con thứ hai một cách lén lút như vậy, giống như thể mình đi buôn lậu không bằng. Bây giờ một thân nuôi hai thằng con, tiền bạc chồng để lại không còn, tôi phải làm cái gì đó thôi…Phường phát động xí nghiệp mây tre lá xuất khẩu, ai cũng phải lao động để giữ hộ khẩu. Mỗi ngày tôi mang hai đứa nhỏ ra xí nghiệp, vừa làm vừa trông chừng con. May mà nhân viên ở đó hầu hết là dân trong phường, ai cũng biết rõ hoàn cảnh mẹ con tôi.

Một lần, tôi bị tiêu chảy, ói mửa xỉu ngay tại xí nghiệp, người cùng làm ở đó hô nhau chở đi nhà thương, hai đứa con được hai chị em Bích và Vân cùng làm ở xí nghiệp, học trò cũ của chồng tôi, liều mạng bồng về nhà, trình bày với gia đình. Cha mẹ hai cô cũng là “ngụy quyền”, mở tay đón nhận… Hai ngày sau, tôi gượng dậy, theo Bích về nhà, nhận lại con.  Em tôi từ Saigon xuống đở đần tôi một khoảng thời gian. Thiếm Sáu, Má của Bích, Vân nấu rượu, bà bảo tôi theo Bích bỏ mối kiếm sống. Những lần đi như vậy tôi gửi con ở nhà Bích, Vân. Một em học sinh khác ở gần đó, cũng vừa sinh con, cho thằng con sau của tôi bú thép; một vú nuôi con mình, một vú nuôi con thầy.  Từ đó, nghề dạy nghề, tôi làm mọi thứ để có tiền nuôi con, khi thì mua hàng quốc doanh bán lại, khi thì quần áo cũ, khi thì đi lậu rượu, thịt lên Saigon, thoát được thì lời nhiều, bị bắt thì cụt vốn, lại gầy keo khác.

Hoàn cảnh một thân một mình của tôi đánh động tấm lòng của người dân quanh vùng, nhất là chị em có chồng là giáo viên đi học tập. Họ đến để an ủi, sẵn lòng giúp nếu cần. Mỗi lần đi thăm nuôi họ đều ghé nhà hỏi tôi muốn gửi gì cho chồng, họ mang đi. Quà thăm nuôi của tôi thường chỉ là bức thư ngắn, với những tin gia đình ngắn gọn và những lời động viên đúng sách vở, kèm theo vài viên thuốc cảm, vài con cá khô, bánh thuốc rê… một phần tôi không có tiền, phần khác cũng phải hạn chế vì họ còn phải mang quà cho chồng của họ nữa. Thỉnh thoảng tôi cũng nhận được những giúp đở không biết từ ai.  Có lần tôi đi buôn về, vào nhà thấy có năm ba đồng, có khi đến hai chục nhét qua ngạch cửa, chỉ có tiền, không có lời nhắn gì hết, tôi chỉ biết thầm cám ơn và cầu nguyện bình an cho những ân nhân ẩn danh đó.

Tôi cứ sống vô định như vậy, ngày này qua ngày khác. Không vốn, không người thân, mà không thể bỏ về Saigon với gia đình, Vả lại, ở Saigon cũng chỉ còn mấy đứa em, sống đấp đổi qua ngày, với lại về trên ấy thì làm sao biết tin chồng. Sống bấp bênh như bèo giạt như thế mà chờ đợi,  mà ngóng tin, mà hy vọng…Thằng con lớn hình như cũng lờ mờ hiểu chuyện gì đang xảy ra, nên rất ngoan, mới hơn ba tuổi mà đã phải trông em giúp mẹ. Tôi ngày càng mỏi mệt, nhưng vẫn phải cắn răng mà sống.




* * *



VINH QUANG

Mỗi sáng sau khi tự nấu lấy buổi sáng và đem theo phần ăn trưa, 6 giờ 30, kẻng tập họp, mọi người sửa soạn cho ngày lao động. Tập họp ở sân, tùy theo ngày, có lúc phải vào rừng đốn củi, mỗi toán năm người, với hai chiếc búa hay dao, phải mang về giao nộp cho ban đội chỉ tiêu nửa mét củi; có lúc phát rừng, đào đất… những toán lao động được dẫn vào địa điểm, làm xong thì về trại, thường thì vào lúc mặt trời lặn, trưa ăn phần lương thực mang theo.

Một lần đi đốn củi, một hiểu lầm nhỏ gây nên hậu quả trầm trọng. Một toán đốn củi, sau khi theo anh đội hướng dẫn vào rừng, họ bắt đầu đốn cây… Sau bữa trưa, toán quyết định chặt thêm hai cây nữa, cho đủ số trên giao; một anh nói với bạn: “bây giờ thì mình hạ thằng này, sau đó tới thằng này. Một mình tao làm không nổi, không lẽ bốn năm thằng mình hạ không nổi nó sao?” Nói xong anh xăm xăm xách búa tiến tới. Xui cho anh bạn cải tạo, anh đội hướng dẫn đang ngồi trốn nắng trong bụi sát cây. Hiểu lầm câu nói của mấy người cải tạo, anh đội nổ súng báo động. Trong  trại, bộ đội cầm súng ào ra, bắt trói năm người cải tạo đang nằm dài không dám nhúc nhích trên đất, giải về, nhốt vào connex. Buổi lao động bị hủy và lệnh mọi người phải về trại ngay, ở yên trong lán. Người biết chuyện thầm thì kể lại câu chuyện, kẻ lo sợ cho số phận của mấy “tên tội phạm”… Buổi tối, lệnh tất cả tập họp. Máy điện chạy thắp sáng hai ngọn đèn pha rọi sáng sân trại. Mọi người yên lặng cúi đầu nghe tên trại trưởng mạt sát, hăm dọa, buộc tội… Cuối cùng, anh đại diện trại (là một đại úy) nhỏ nhẹ trình bày lại câu chuyện, chỉ là một sự hiểu lầm. Sau những hăm dọa cuối cùng, y ra lệnh giải tán về lán, chừng đó người ta nghe tiếng lách cách của hai khẩu đại liên đặt trong bóng tối, phía sau hai ngọn đèn pha. Mọi người nén tiếng thở dài… không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu viên trại trưởng không kềm chế được, hay một hành động vô thức của một trại viên nào đó, hai khẩu đại liên sẽ không để một ai sống sót…

Ngày hôm sau, năm người bị giải đi khỏi trại, về sau mới biết họ bị đưa đi Bưng Xẩm.


Sự vinh quang của đám thầy giáo cải tạo lên đến tột cùng khi người ta thực hiện đề án bắt tôm (mà người địa phương gọi là tép bạc thẻ). Dựa theo kinh nghiệm của người Khmer ở địa phương đặt “xà ngôn” dọc theo các đường nước đổ ra biển khi thủy triều xuống, đón bắt bầy tôm theo con nước vào rừng rất giàu phiêu sinh vật là nguồn thức ăn thiên nhiên của tôm. Với sức lao động “chùa” của đám cải tạo của hai ba trại cải tạo quanh đó, lao động chính của công trường không thiếu. Ban đầu là phá rừng, năm người họp thành một toán, mỗi ngày đốn và lôi cây rừng vào trong xa, cách tim đường ít nhất hai mươi mét, mỗi ngày mỗi toán phải khai hoang từ năm mươi đến một trăm mét vuông rừng ngập mặn, tùy cây rừng dày hay thưa, hầu hết là cây mấm, giá hay chà là, không có giá trị kinh tế; giai đoạn kế là đào đất đắp một con đường, mặt đường cao một mét, rộng khoảng ba mét, chạy ngang khu rừng chặn đường đi của tôm; giai đoạn cuối là cho dựng các loại xà ngôn để chận bắt tôm. Tất cả đều làm bằng tay với dụng cụ duy nhất là vá (xẻng) đào đất. Cuối cùng thì công trường cũng hoàn thành với một con đường đất dài hơn mười kilo mét với mười một xà ngôn.




                                    Bàn tay ta làm nên tất cả


                                    Với sức người sỏi đá củng thành cơm




Thức ăn dành cho lực lượng lao động là một tháng mười lon sữa bò gạo ẩm, mọt, đầy sạn và bông cỏ. Cũng may, thức ăn có thêm nhờ  “cải thiện” (kiếm thêm thức ăn sau giờ lao động) bắt cá tôm còn sót trong mương, vũng dọc đường từ trại ra công trường . Về sau, nghe chuyện của những người bị giam ở các trại ngoài Trung, ngoài Bắc, mới thấy mình vẫn còn may mắn, còn kiếm được cái để ăn.




Ngày này qua ngày kia, lao động miệt mài, con người cũng dần hết tin vào những tin tức “nghe” lõm được. Họ không còn tin vào gì nữa hết, đầu óc xơ cứng dần, chỉ còn nương vào nhau mà cùng chịu đựng dù thỉnh thoảng vẫn có người nhà đi thăm nuôi.




Cuối cùng, giống như trong truyện “Giờ Thứ Hai Mươi Lăm” của Constant Virgil Gheorghiu, Cái Vinh Quang của thứ lao động mà người cộng sản lớn tiếng ca ngợi là làm Con Người “teo tóp” lại, khi vào trại, mỗi người cân nặng trung bình năm mươi lăm đến sáu mươi lăm kí lô, sau khi rời trại, họ chỉ còn khoảng bốn mươi lăm kí lô, “teo” mất khoảng mười đến hai mươi kí, nhân cho vài trăm ngàn lao động, chúng ta thấy ngay cái “vinh quang” của lao động trong các trại tù cải tạo cộng sản.








* * *






LÁNG CHÁO




Lệnh chuyển trại. Khoảng hơn một trăm tù thày giáo có lệnh phải chuyển trại, còn lại chỉ là số anh em bệnh và vài người trong ban đại diện của mỗi phòng. Lần này, không di chuyển bằng xe hay bằng ghe, cứ nối đuôi nhau mà đi. Ban đầu còn đi trên “con đê” do chính mình đắp ngang rừng, sau đó băng ngang khu rừng thấp mà đi, quá nửa ngày ngang một xóm nhỏ: Cồn Cù…và cuối cùng ngừng lại một nơi có tên Láng Cháo. Cám ơn bác và cách mạng, các thày giáo lần đầu biết đến những địa danh có lẽ chỉ thấy trên những bản đồ quân sự. Vùng này là vùng oanh kích tự do ngày trước vì là đất “riêng” của Việt cộng nằm dọc một nhánh sông Hậu, gần cửa biển, ở đây nước mặn quanh năm, người dân sống nhờ ruộng muối, đào giếng lấy nước ngọt làm rẩy. Ngày trước họ phải theo cách mạng vì phía quốc gia không kiểm soát được, phần đất này coi như bỏ ngõ,  quốc gia chỉ kiểm soát phần đông dân ở phía trong.




Trại giam là một dãy lán dựng trong một hàng rào kẽm gai, nghe kể ngày xưa lúc còn đang chiến tranh, từng là trại giam tù binh, hai người luôn bị còng dính vào nhau, ăn ngủ, lao động, vệ sinh, tắm rửa… lúc nào cũng có cặp. Đám thày giáo mới tới này bổ sung cho lực lượng lao động cho một công trường ruộng muối của trại. Cơm ăn do nhà bếp của trại lo, cơm lẫn sạn và bông cỏ, khi sống khi nhão, thức ăn có phần dồi dào hơn hồi ở trại Long Khánh nhờ trại viên kiếm bắt tôm cá có sẵn và rau trái do dân trồng bán lại. Kỷ luật trại có phần nới lỏng vì họ biết chắc không một ai vượt qua được khoảng trống hoang vu mà không bị phát giác, chỉ có buổi tối phải ở trong lán, muốn ra ngoài phải cầm theo đèn và hô lớn “thưa anh đội, tôi đi đái (đi ỉa)”. Có một lần, một tàu vượt biên bị hỏng máy trôi tấp vào mé biển, người trên tàu nghĩ là mình đã đi xa lắm, ít ra cũng tới Rạch Giá, Cà Mau… lên bờ tìm đường về nhà. Họ bị phát hiện ngay khi tiếp xúc với người địa phương và bị đưa về trại giam. 




Toán lao động mới được phân công việc ngay ngày hôm sau, chúng tôi tập làm quen với nghề mới: làm muối. Công việc cũng khá phức tạp, nhẹ nhất là nện bờ, dùng chày nện đều đặn vào bờ ruộng muối sao cho bờ vuông ruộng được nện kỹ, bằng phẳng và nhất là không bị nứt làm rò rỉ nước ra vào vuông ruộng, một việc khác là tìm và giết cá lưỡi húa (họ dùng thuốc trừ sâu nông nghiệp Basudin), hình dáng giống cá kèo, nhưng dẹp hơn, chuyên làm hang dưới nền ruộng, làm hao nước… công việc nặng hơn, không cần đến chuyên môn là kéo các xe hủ-lô (xe lu) đủ cỡ, nhẹ nhất là hủ-lô một trăm ký, một người kéo trên mặt ruộng tương đối còn ướt, nặng nhất là cỡ một tấn trên ruộng khô hơn, mục đích làm cho mặt ruộng phẳng, và phác giác các hang cá lưỡi húa còn sót[1], để sẵn sàng cho ăn nước (cho nước biển vào ruộng).  Ban đầu, trại giao bảy người kéo một hủ-lô một tấn, mới bắt đầu kéo có hơi nặng, nhưng khi hủ-lô lăn được vài vòng, thì thấy nhẹ hơn; thành thử mọi người làm việc vui vẻ nhờ đông (bảy người), nói chuyện tiếu lâm, “đọc” chuyện chưởng, hay “đọc tin” BBC, VOA… tin tức chính xác và cập nhật đến đâu không biết, nhưng cũng tạo cho anh em ít nhiều thư giãn. Ít lâu sau, công trường cho giãm xuống còn sáu người một chiếc, anh em bàn nhau, làm gì thì làm, nhưng sẽ không cố sức làm tốt, đề phòng sẽ có ngày số người kéo còn lại năm người. Một ruộng muối gồm năm vuông, từ lớn đến nhỏ. Ban đầu nước biển được cho rào vuông một, rộng nhất; sau vài nắng, nước vuông một được chuyển sang vuông hai nhờ một xe nước nhỏ quay tay, rồi vuông ba, vuông tư. Khi nước đến vuông năm, nhỏ nhất, thì nồng độ muối đã lên rất cao (do nước bốc hơi từ mấy vuông trước). Cuối cùng cho rớt muối sau khi thử nồng độ bằng cách bỏ vài hột gạo lên vuông, gạo không chìm. Người ta cho rải một ít muối có sẵn để kích thích sự kết tinh vào ngày hôm trước, hôm sau muối rớt hột, vài ngày sau, họ cào đống lấy muối… công việc làm hết sức thô sơ và dựa vào kinh nghiệm từ trước. Thu hoạch hoàn toàn dựa vào thời tiết, nắng nóng nhiều cho sản lượng cao, mưa bất chợt một trận, công sức đổ hết xuống biển…Muối vùng này không trắng như muối Cà Ná hay Phan Thiết, vì ở đây gần cửa sông, phù sa làm nước biển không trong.




Ở vùng này có một đặc sản là nước mắm rươi. Vào mùng một và mười lăm hàng tháng (âm lịch) rươi nổi lên và tấp vào bờ từng giề (về), dân địa phương vớt rươi về ướp muối làm nước mắm. Nước nắm rươi rất ngon, có lẽ còn ngon hơn nước mắm nhỉ Phan Thiết hay Phú Quốc. Ngày xưa nước mắm này làm ra phải tiến kinh, vua mới được ăn, dân thường không ăn được, có chăng là dân địa phương làm ra, chừa lại chút đỉnh…




Tôi cũng không nhớ mình ở đó bao lâu, ngày ngày đi lao động ngoài công trường muối, tối về nằm đập muỗi trong mùng. Thỉnh thoảng nghỉ một ngày ra ngoài mua thêm lương thực, thường là bầu, bí, mướp, đậu… về nấu canh hay luộc lên ăn độn. Người địa phương, dù sống trong vùng giải phóng từ lâu, lại rất phóng khoáng với đám tù nhân, họ bán một nửa, cho một nửa. Có lẽ do lòng hiền lành trắc ẩn đối với kẻ lỡ vận của người bình dân ít học.




Trong số những người làm ở nhà bếp, tình cờ tôi có gặp một người gốc ở Phan Thiết, là bạn cùng lớp với em tôi, Tính. Gặp tôi, anh ta nhận ra ngay, còn nhớ đúng tên tôi nữa. Hỏi ra, ngày xưa Tính ở gần nhà vẫn thường đi chơi với em tôi. Nhờ đó thỉnh thoảng tôi lại được Tính mang cho một miếng cơm cháy. Phần cơm cháy này thường dành cho “tù trưởng” (đại diện chính) của trại tù, có nhiều hơn thì chia cho anh em trong nhà bếp, nhờ vậy mà lâu lâu tôi cũng có một miếng. Tất nhiên cơm cháy thì ít bông cỏ, nhưng sạn thì dày đặc. Tuy vậy so với cơm nhão chế độ hàng ngày thì cơm cháy quả là món ăn cao cấp, chan nước mắm ăn thiệt cũng ngon, mà ăn chơi với đường chảy, nước trà thì quả là quá phong lưu. Những lúc có miếng cơm cháy, cả nhóm lao động chung như được ăn yến, ai có gì ngon cũng hùn vô, nên có khi mỗi người chỉ một miếng mà thấy lòng hả dạ, hạnh phúc. Hạnh phúc vì tình bạn tù, cùng hoàn cảnh, cùng cực khổ lao động, cùng chia nhau “miếng ngon” hú họa có được. Tất nhiên cũng có người gia đình tương đối khá giả, thăm nuôi đầy đủ, tiền bạc tương đối khá, bỏ ra ăn chung thấy tiếc nên thường sống một mình, hưởng thụ một mình, ít khi mời ai. Nhóm tụi tôi có năm người, mà con bà phước hết ba, tự mình cải thiện góp thêm thức ăn với nhóm, vậy mà vui, thấy an ủi phần nào cho số phận, hoàn cảnh mình.




Ngày lại ngày qua, thấm thoát xa vợ con hơn tám tháng. Ngày về, xa lắc xa lơ không thấy bóng tăm. Xong một ngày hay một ngày, một tuần hay một tuần… Tính từ ngày chia tay với vợ con đi học tập, chỉ có một lần hồi còn ở trại Long Khánh, nhân Má tôi lặn lội từ Phan Thiết xuống Vĩnh Long thăm cháu, vợ tôi xin phép phường thăm nuôi. Lếch thếch, bồng trống nhau hết hai ngày đường mới xuống tới trại, nhằm lúc tôi còn đang đào đất đắp đường, phải chờ. Tới xế chiều mới gặp gia đình. Má nhìn ứa nước mắt, vợ nghẹn ngào trả lời tiếng được tiếng mất, tôi như kẻ mất hồn, nhìn trân trân Má lắp bắp hỏi thăm Ba và em gái,  quay sang nhìn vợ và hai thằng con trai. Thằng con lớn cứ nép vào mẹ mà nhìn chằm chằm ba nó… Chừng ba mươi phút thăm nuôi, cũng chưa nói với nhau bao câu thì trời vừa tối, gia đình phải ra ngoài, tìm nhà dân ở trọ. Ngày hôm sau, trước khi về, mua thêm một ít thực phẩm gởi nhờ trại trao lại… Bây giờ, ở tận Láng Cháo, tôi cũng giống con bà phước, biết rằng gia đình khó lòng xuống tận đây thăm nuôi. Họa hoằn lắm, tôi nhận được ít quà của vợ con gửi nhờ bạn đồng cảnh ngộ… thường là bánh thuốc rê, gói thuốc lào, lon cá khô, một ít tiền và bức thư không ra ngoài khuôn khổ, đọc đi dọc lại, mong tìm được chút ẩn ý gì.  Thương nhớ vợ con đứt ruột mà đành chịu. Thôi thì ai cũng lâm vào hoàn cảnh gà trống nhốt bội, để mặc cho gà mái bươi móc kiếm ăn.




Mặt trời vẫn mọc, vẫn lặn và bọn tù vẫn sáng ra công trường, tối rả rời về lán…








***






NGÀY VỀ




Mấy ngày trước trời mưa, muối của công trường cũng thu hoạch trước đó ít hôm, nên kể từ hai hôm trước thành phần lao động chính được tập họp để đào đất đắp nền cho kho muối của công trường. Không biết kho muối mới bao lớn nhưng nền khá rộng. Đất đào từ nơi khá xa, phải chuyền qua hơn hai mươi người. Quay trở lại với công việc đào đất đắp nền nhà có khác với việc đắp đường hay đắp đập hồi còn ở Long Khánh. Công việc có ít nhiều nhàn hơn vì không cần phải theo chỉ tiêu phải có bao nhiêu mét khối đất cho mỗi người.  Làm như có vẻ công trường không muốn để tù nhân ở không vì trời mưa ruộng muối không hoạt động được. Năm dây người từ năm hầm đất, chuyền qua tay người về đắp một nền nhà cao tám tấc rộng gần hai trăm mét vuông. Cứ từng cục từng cục, nền nhà hình thành dần. Cho đến lúc này các trại học tập cải tạo do bộ đội quản lý, chưa giao về cho công an, nên cũng chưa thấy sự khe khắc, đố kỵ như về sau này nghe kể lại.




Ngày thứ ba, đang ngồi nghỉ giải lao chờ giờ ăn trưa thì Tính, anh bạn ở Phan Thiết ở toán nhà bếp mang cơm trưa từ trong trại ra. Lúc chia cơm, Tính bảo nhỏ :




- Anh được về rồi, có bốn thiếu úy và một chuẩn úy được về, em nghe ban đội đọc tên anh cho đại diện viết, em tìm cách xin mang cơm ra đây cho anh hay.


- Còn mấy người kia là ai?


- Em không nhớ, hình như có một người tên Châu. Thôi em không nói được gì nhiều, thằng đại diện sẽ ra gọi tên mấy anh bây giờ. Anh cứ làm bộ không biết gì hết nheng.




Tôi như bay bổng… mà không dám nói gì với ai. Hết giờ cơm, trở lại dây người chuyền đất. Chừng nửa giờ sau, mà tôi nghĩ dài dằng dặc, thấp thoáng đại diện trại cùng với một bộ đội tiến dần ra. Tôi như ngừng thở vì hồi hộp, cái tin của Tính có lẽ đang dần đến với tôi…




Từ trại Láng Cháo, tôi và ba thiếu úy và một chuẩn úy khác được lệnh chuyển trại vào ngày mai (họ luôn luôn bảo là chuyển trại, nhưng anh em đoán biết). Tụi tôi là nhóm có cấp bậc nhỏ nhất trong số anh em thày giáo bị tập trung học cải tạo. Bạn tù kín đáo mừng cho chúng tôi. Tôi tìm gặp Tính cám ơn. Tính chỉ cười hỏi tôi có về Phan Thiết không, nếu có báo cho gia đình Tính biết vì từ ngày buông súng Tính không có tin gia đình, dù có gửi thư về vài lần. Tôi nói để tôi viết thư, Tính nói cũng không cần, nhà Tính nghèo, cũng khó đi từ Phan Thiết vào đây thăm nuôi, với lại Tính không biết gia đình còn ở chỗ cũ hay không, dân Phan Thiết nhiều người làm nghề biển, không chừng gia đình đã vượt biên rồi. Từ ngày bị bắt, Tính làm con bà Phước, không trông chờ gì vào thăm nuôi.




Tôi trở về lán, gói ghém đồ cá nhân, để lại tất cả những gì mình có cho bạn cùng nhóm, mà có gì quí giá đâu, chỉ là những dụng cụ tự chế hay cũ mèm dùng để nấu nướng thêm.  Châu bị bệnh, hình như sốt rét, người yếu như sên, chỉ mang theo mình quần áo và vài thứ lặt vặt, gói gọn trong một túi nhỏ. Trí Đức, người cùng về, bàn với tôi: Ngày mai tôi gánh đồ, luôn cả hành lý của Châu cứ mau chân đi trước với cán bộ dẫn đường, Đức sẽ dìu Châu chầm chậm đi sau, có mệt thì ngồi nghỉ đợi, chắc cán bộ không nói gì đâu. Hôm sau, chúng tôi lên đường sớm, theo đúng những gì đã tính. Nhờ vậy đoàn chúng tôi năm người, chia làm hai tốp, dìu lần Châu vượt đoạn đường gần hai mươi cây số. Chúng tôi đoán không sai, chúng tôi trở về trại Long Khánh lúc mặt trời sắp lặn, sau khi ghé nghỉ chân (?) ở trại Bến Giá khoảng hai tiếng đồng hồ.




Gặp nhau lại, anh em mừng quá. Ở Long Khánh, mấy người biết tụi tôi gồm sáu thiếu úy và hai chuẩn úy được về kỳ này, năm người tụi tôi từ Láng Cháo, ba người khác từ Cồn Cù, tất cả đều là thày giáo biệt phái. Đã có lúc, họ coi chúng tôi mang tội rất lớn, trong đó có tội là nhân viên CIA được quân đội “biệt phái” sang ngành giáo dục… nghe đâu có người biết chuyện thanh minh, nhưng nói là một chuyện, còn nghe hay không là chuyện khác.  Mấy ông trung úy và đại úy còn ở trại cũng mừng cho chúng tôi, còn cười nói đùa:




- Tụi mày lon lá nhẹ hều, về trước là phải rồi, tụi mày có về hết thì mới mong tới đám tụi tao.




Tối hôm đó, tụi tôi được chiêu đãi một nồi chè đậu đen lỏng le, tất nhiên là nấu chay với đường chảy. Bao lâu nay thiếu chất đường, nồi chè được vét tận tình. Suốt đêm lòng nôn nao khó tả, nghĩ tới đoạn đường sắp tới, nếu không  được đi dạy lại, lấy gì mà sống. Lại nhớ tới vợ con, lòng như quặn thắc. Biết là họ vẫn phải tìm cách để sống, nhưng bằng cách nào đành chịu. Bao lâu nay,  hình ảnh vợ con xếp qua một bên, sinh hoạt ở trại học tập cải tạo không để thì giờ cho tù nhân được có những tình cảm linh tinh, có chăng chỉ thoáng qua trong chốc lát. Vợ tôi ngày xưa là cán sự xã hội, cũng là một trưởng hướng đạo. Về sống với tôi, nàng xin thôi việc ở Ty Xã Hội Vĩnh Long khi mang thai đứa con đầu được sáu tháng. Tôi biết khả năng thích ứng và chịu đựng của hướng đạo sinh, nhưng với hai con mọn, tiền bạc không có, không biết nàng xoay sở làm sao trong cuộc đổi đời này. Rồi lại lan man nhớ tới Ba Má và em gái ngoài Phan Thiết, chiếc xe khách của gia đình đã bị sung vào quốc doanh từ năm ngoái. Lần cuối về thăm sau ba mươi tháng tư, Hiền, đứa em gái duy nhất của gia đình đang học lớp mười hai. Lần Má và Hồng thăm nuôi ở trại Long Khánh, tôi hỏi thăm, Má nói nó tốt nghiệp trung học rồi, nhưng thi không đậu được vào trường cao đẳng hay đại học nào vì lý lịch; ngay việc xin đi làm, kể cả xin vào làm ở phòng vé bến xe, nơi mà Ba tôi đã bao năm dày công gầy dựng nghiệp đoàn xe khách, cũng không xong! Lý lịch gia đình đã đặt nó sống bên lề xã hội, nấu chè, nấu khoai bán chui, bán nhủi… theo người lớn đi lậu cá hấp vào Saigon bán kiếm chút tiền sống qua ngày… Tôi trăn trở hoài trên miếng tôn đập thẳng thay cho vạt giường trong trại, mỗi lần trở mình, miếng tôn lại kêu rột rột. Đầu phòng, nơi chỗ ngủ của Trí Đức cũng những trăn trở, rục rịch… Ai cũng có những xao động riêng tư.




Hai ngày sau, khi chúng tôi đã về đủ, một anh bộ đội đưa chúng tôi qua Long Toàn, đón xe về Trà Vinh. Chiếc xe cà tàng mỗi ngày một chuyến, cứ thụt ra thụt vào ở chỗ đậu, thình thoảng nhấn kèn tin… tin, chú lơ con chạy tới chạy lui, đập vào thùng xe thình thình hô lớn : “ xe chạy nghe bà con, xe chạy nghe bà con…” Nói vậy chớ xe cứ nằm tại chỗ, thỉnh thoảng lại nhấn kèn… Hành khách co ro trong tiết trời lành lạnh của cuối năm âm lịch, với hai ba lớp áo. Mọi người đang bận rộn cho những ngày tháng cuối cùngcủa năm, Tết sắp tới nơi rồi .




Rồi thì xe cũng chuyển bánh sau khi chất hơn năm mươi người, xếp chật cứng trong, ngoài xe. Trên mui đầy cần xé hàng hóa. Thời buổi khó khăn, có được phương tiện di chuyển là mừng rồi, ai cũng thông cảm không kêu ca. Mấy anh em được về chia nhau các hàng ghế cuối. Xe lắc lư, hì hục tiến tới, quanh co trên đường tránh những ổ gà, có đoạn xe bò còn chậm hơn người đi bộ, thỉnh thoảng còn ngừng lại đón thêm khách, thêm hàng… có lúc xe ngả nghiêng, tròng trành như ghe đi trên biển. Tuy vậy khách vẫn râm ran trò chuyện, có lẽ đã quá quen thuộc với tình trạng này. Hàng ghế ngay trước tôi và Phùng Ba ngồi là một đôi nam nữ, có lẽ là đôi tình nhân, hồn nhiên choàng tay qua vai nhau thủ thỉ chuyện trò, không cần biết đến chung quanh… Rồi thì cũng qua hết đoạn đường gồ ghề, lồi lõm, bị tàn phá nặng nề một phần vì bom đạn thời chiến tranh, phần khác do sự sử dụng mà thiếu sự bảo quản, xe cũng lên được phần đường tráng nhựa khá êm ái, tăng dần tốc độ, tôi chợp mắt trong mệt mỏi vì gần như trằn trọc suốt đêm từ mấy hôm trước…




Bỗng tiếng kêu rú của hành khách làm tôi choàng tỉnh, chiếc xe xàng qua bên phải, rồi bên trái, lại nghiêng qua bên phải, cuối cùng lật ngang, hai phần ba thân xe ngã ùm xuống một mương cạn cạnh đường. Mọi người nháo nhào tìm ngã thoát thân qua các cửa sổ, tiếng kêu than, tiếng rên rỉ, gọi nhau ơi ới… anh chàng ở băng ghế trước đang tìm cách đạp nhầu lên vai cô bạn gái, nhoài mình ra cửa sổ, bỏ mặc cô ta đang lúng túng với gói đồ trong tay… có tiếng của Cường từ bên ngoài: “Trời ơi, thằng Thạnh và thằng Đức còn kẹt trong xe, bà con mau mau phụ giùm một tay…” Có tiếng của Đức ngay sau lưng tôi trả lời : “tụi tao không sao, không sao hết…” Khi biết sự nguy hiểm đã qua, hai thằng cón cố lội xuôi ngược trong xe đang nằm một phần dưới mương nước, xem còn sót hành khách nào chưa thoát được, may mà nước trong xe chỉ ngang đầu gối… Khi chúng tôi ra được ngoài, cảnh tượng trước mắt vô cùng hổn độn, hành khách đi xe kẻ nằm người ngồi ôm đầu la liệt trên bờ cỏ; Phùng Ba, Cường và vài người đàn ông khác đang lò mò vớt hành lý từ mui xe rớt xuống mương quăng lên bờ. Tài xế ham chở, chất mấy cần xé hột vịt cao nghệu trên mui, nên xe mất cân bằng. Xe lật, mấy cần xé hàng bị quăng xuống mương, hột vịt bể, tròng đỏ tròng trắng lầy nhầy dưới mương nước, ngổn ngang trên bờ. May mắn anh em tụi tôi không ai bị thương tích gì.




Trời đã cuối tháng Một dương lịch, gió làm tăng thêm cái lạnh vì ướt át, may mà trời trong, cũng đã quá trưa nên cũng không thấy quá khó chịu.




Sau khi kiểm điểm mọi việc, anh đội đón vài xe khác, gửi dần chúng tôi về Trà Vinh, hẹn gặp nhau tại khám lớn…




Lại khám lớn Trà Vinh.










***












“TÔI CŨNG CÓ THẰNG CON…”




Ngày hôm sau, cả bọn được đưa ra chợ Trà Vinh chụp hình, loại hình gắn thẻ căn cước, để làm giấy tờ ra trại. Mấy ngày sau đó, lên văn phòng làm giấy tờ, chỉ còn chờ hình dán vào giấy chứng nhận. Lần này khu chúng tôi ở không thuộc phạm vi trại giam đã ở mấy tháng trước, tuy mỗi ngày vẫn phải qua đó lãnh phần cơm.




Suốt ngày tha thẩn quanh khu vực đã được chỉ định rồi…suy nghĩ lan man. Mà suy nghĩ được gì? Bị tách biệt khỏi xã hội, môi trường cũ, tôi thấy mình như lạc lỏng, không biết bây giờ xã hội sinh hoạt ra sao. Tôi cảm thấy mình vô dụng sau bao năm học hành. Không vốn liếng, liệu mớ kiến thức của một thày giáo trung học sẽ giúp được gì cho mình trong những ngày tháng tới.  Tôi không thấy lối đi nào trước mắt, chỉ mới hơn chín tháng trong trại cải tạo, con người tôi đã “bị cải tạo” tới mức ấy sao? Từ một thanh niên yêu đời, mạnh khỏe và năng động, tôi như trở thành ù lì, ít nói, và tệ nhất là nghi ngờ cả bản năng mình. Sự thiếu dinh dưỡng cộng với lao động nặng làm tôi teo tóp hẳn lại.




Sau khi hoàn tất giấy tờ, chúng tôi được lệnh phải trở về nơi cư trú cũ để trình diện và chịu sự quản chế của địa phương. Thôi thì thoát khỏi trại cải tạo, sum họp với gia đình là niềm hạnh phúc lớn cho bọn tù cải tạo chúng tôi lúc bấy giờ. Họ không cho chúng tôi có chọn lựa khác, dù tôi có xin về Phan Thiết với cha mẹ tôi hay về Saigon với gia đình bên vợ!  Vĩnh Long nhiều kỷ niệm do tôi về dạy ở Trung học Tống Phước Hiệp năm năm, dù rất yêu thị xã hiền hòa, con người hiền hòa của nơi sông sâu nước chảy ấy, gia đình tôi không có thân nhân ở đó. Công việc và chiến tranh đã giữ chân tôi quanh thị xã, tôi biết không nhiều về vùng quê lân cận.




Về Vĩnh Long lúc đó có ba người: tôi, Trí Đức và Phùng Ba. Cả ba ra bến xe ngay sau khi cầm giấy tờ trên tay. Tôi cũng không nhớ tiền đâu để mua vé xe. Có lẽ Phùng Ba hay Trí Đức có tiền do gia đình thăm nuôi đều đặn.  Nhưng ở bến xe, nhìn bộ dạng lớ ngớ của mấy tên tù cải tạo vừa được thả, người ta chỉ lấy nửa tiền vé, chắc là thông cảm cho đám tù cải tạo, dù không ai hỏi xác nhận, qua đó thấy người ngợm chúng tôi trông không giống ai.




Cảnh ở bến xe cũng vậy, xe nổ máy, thụt ra, thụt vào, thỉnh thoảng nhấn kèn, rồi lại tắt máy… Cuối cùng, hơn mười một giờ, xe cũng rời bến. Nảy giờ cả ba thằng chúng tôi yên lặng, theo đuổi những suy nghĩ trong đầu, không ai nói với ai câu gì. Buổi sáng trời trong và vẫn còn mát lạnh, gió lùa vào cửa sổ khá mạnh, ba đứa chiếm nguyên trọn hàng ghế của chiếc xe đò năm mươi chỗ gần cuối xe, bấy giờ mới rù rì trò chuyện, mà chẳng chuyện gì ra chuyện gì, có lẽ chỉ là muốn xóa đi phần nào cái nôn nao sắp được về với gia đình. Tỉnh lộ Trà Vinh – Vĩnh Long tương đối còn tốt nên xe chạy cũng khá nhanh, nhưng thỉnh thoảng ngừng đón thêm khách mối dọc đường… thành ra mãi hơn hai tiếng đồng hồ sau, xe mới chạy ngang ngả ba Vũng Liêm. Con đường về nhà cứ thu ngắn dần trong khi nỗi hồi hộp trong tôi cứ tăng lên. Giờ này có lẽ vợ tôi đi buôn bán gì đó chưa về, mấy đứa con chắc gởi nhờ ai đó, không biết hai đứa nhỏ bao lớn, thằng Ti đã hơn bốn tuổi, còn thằng Ta cũng được chín tháng rồi… bây giờ bỗng có thì giờ nghĩ tới vợ con, tôi thấy mình càng vô dụng, dù rằng do hoàn cảnh không ai muốn. Tình trạng của chúng tôi lúc đó khác nào như đám gà trống bị nhốt bội, giao cho gà mái tự bươi móc kiếm ăn, nuôi con. Vậy đó, người phụ nữ Việt Nam chịu khổ và phải hy sinh rất lớn. Lịch sử đất nước có bao năm thanh bình? Chinh chiến gần như chiếm trọn chiều dài lịch sử, không nội chiến thì phải đương đầu với ngoại xâm, đàn ông phải làm nghĩa vụ với đất nước, dù tự nguyện hay bắt buộc, chính người phụ nữ Việt Nam đã nuôi dưỡng, xây dựng nền tảng của gia đình, tế bào nhỏ nhất của xã hội…




Tôi quay sang kiếm chuyện nói với hai người bạn đồng hành:


            - Tôi không về đến bến xe với mấy ông. Tôi xuống ở ngã ba Cầu Vồng rồi đón xe lôi về nhà qua ngã chợ Cua. Từ bến xe mà về tới phường Bốn xa quá.


            - Ừa, như vậy cũng tiện. Thôi có dịp mình gặp lại sau.


            - Về rồi, mấy ông tính làm gì?


            - Biết làm được gì mà tính, tới đâu hay tới đó.




Phùng Ba và Trí Đức gốc ở Vĩnh Long, dù gì cũng còn gia đình bên cạnh, nát giậu cũng còn bờ tre, còn tôi cu ki một thân. Khó nhọc tôi không sợ, nhưng lấy gì để làm vốn khởi đầu thì tôi hoàn toàn mù mịt. Đã sống qua gần một năm với chế độ mới, tôi biết là mọi thứ phải bắt đầu lại từ đầu, và tôi biết mình phải bắt đầu từ con số không – hổng chừng từ con số âm nào đó… Nghĩ mãi vẫn quanh quẩn một chỗ, tôi mệt mỏi nhắm mắt… Tiếng chú lơ xe làm tôi tỉnh giấc:




            - Ngã Tư bà con ơi, ai Ngã Tư không?


           


Sắp tới nhà rồi, tôi hồi hộp lạ thường! Tất nhiên là mừng rồi, sắp gặp gia đình rồi mà sao tim đập loạn xạ, Tôi cố chồm qua nói với lơ xe:




            - Chú cho tôi xuống ngã ba Cầu Vồng nghen.


            - Rồi, ngã ba Cầu Vồng, có hành lý gì không?


            - Có một túi trên mui.




Xe chạy ngang cầu Ông Me, chú lơ la lớn:




            - Ngừng ngã ba Cầu Vồng nghen bác tài.




Xe chậm dần rồi ngừng lại. Tôi từ giã hai người bạn tù… Từ trên mui xe chú lơ chuyền gói hành lý cho tôi. Xe lại chuyển bánh. Nói là ngã ba, nhưng thật ra là ngã tư vì có một con đường đất đỏ nữa, khá rộng và không tráng nhựa, tuy không có xe lớn qua lại nhưng gắn máy và xe đạp của người dân ở xóm trong đó vẫn dùng để ra đường lớn. Một nhánh của ngã ba này dẫn về thị xã qua ngã Chợ Cua. Một chiếc xe lôi chờ khách dưới tàng cây phượng bên đường, chung quanh vắng lặng, ước chừng cũng hơn ba giờ chiều, thi thoảng vài chiếc xe đạp chạy ngang, không thư thả cũng không gấp gáp, thời gian như đọng lại, sức sống của xã hội như chậm lại. Tôi lững thững tiến về chiếc xe lôi… bác tài già ngồi xoay ngang trên yên xe, khoác trên người chiếc áo kaki lính vàng cũ kỹ, đội chiếc nón nhựa nhái hình dáng chiếc nón cối, đang cắm cúi đọc tờ Sài Gòn Giải Phóng, gương mặt khắc khổ, phong trần... Thấy có người đến, ông ngưng đọc báo nhìn lên:




       - Cậu ráng đợi thêm chút nữa, có thêm người, tui chạy liền.


       - Dạ, không sao…




Tôi lên xe, nhìn bâng quơ và đợi. Bây giờ tôi chỉ còn cách nhà gần ba cây số, ở đó có vợ con tôi. Không biết giờ này mấy mẹ con có ở nhà không hay là Hồng còn phải chạy hàng, gửi hai đứa nhỏ ở đâu đó. Chỉ chốc lát nữa thôi, tôi đã có thể về đến nhà… về đến nhà…Tôi có thể ôm thằng Ti, thằng Ta. Tính ra, thằng Ta cũng được chín tháng rồi. Trong lòng gợn lên niềm vui, trong lòng gợn lên niềm háo hức, bao lâu rồi tôi không gặp lại vợ con… Dõi mắt theo khắp hướng ngóng tìm thêm người khách nữa để chiếc xe lôi này có thể mang tôi về nhà. Tôi muốn gợi chuyện với bác xe lôi mà không biết phải nói gì, lòng tôi nhẹ lâng, tôi chỉ nghĩ đến giây phút gặp lại vợ con… tôi chỉ nghĩ đến giây phút gặp lại gia đình…




Dường như cái nôn nóng của tôi hiện ra ngoài, dù tôi cố gắng không để lộ.  Bác tài gấp tờ báo, quay lại nhìn thoáng tôi.  Có lẽ bộ dạng tôi nhìn không giống ai,bác hỏi:




      - Cậu mới học tập về hả?




Tôi “dạ” nhỏ trong miệng, bác tài nói tiếp:




      - Thôi để tôi chạy liền.      


      - Bác cứ đợi thêm một chút


      - Không sao đâu!




Nói xong, bác đạp xe nổ máy, quay lại nói với tôi trong lúc bỏ số:




     - Tôi cũng có thằng con đang học cải tạo, ở đâu tuốt ngoài Trung!




Tôi chưa kịp nói gì thì chiếc xe đã lóc cóc lắc lư trên con đường nhựa tróc nham nhở, đầy ổ gà, bụi bậm. Gió lạnh tạt vào mặt…




Chỉ chừng năm mười phút nữa tôi gặp được vợ con rồi. Xe chạy ngang chợ Cua, giờ này xế rồi, sạp chợ chỉ còn lác đác, nhưng bến đò Long Mỹ vẫn đông người qua lại… Xe chạy ngang Văn Thánh, nét hoang tàn vắng lặng phảng phất đâu đó, hai hàng cây cổ thụ vẫn nghiêm trang dọc hai bên đường dẫn vào miếu vẫn còn đó, mà sao thấy như tiêu điều hoang phế… Chiếc xe lôi chạy ngang kho xăng… chùa Pháp Hải… Tôi lắp bắp qua hơi thở gấp gáp:




    - Bác cho tôi… cho tôi xuống ở đây




Chiếc xe chậm dần rồi ngừng lại. Nhà tôi vẫn ở bên kia đường… Tôi bước xuống, lục túi tìm tiền trả cuốc xe. Bác tài xoay lại, vỗ nhẹ vào tay tôi:


  


   - Thôi, tiền bạc gì, tôi chở không cho cậu cũng được mà, tôi cũng có thằng con đang học tập cải tạo, thấy cậu tôi nhớ tới thằng con tôi, không biết chừng nào người ta cho nó về.




Nói xong, ông hấp tấp cho xe chạy về hướng chợ, bỏ tôi đứng tần ngần bên lề đường trông theo. Nắng chiều đã nghiêng, đường phố ít người qua lại, chỉ thỉnh thoảng một chiếc xe lôi vụt qua, làm tung chút bụi đường, gió cuối năm lành lạnh.




Hôm ấy nhầm ngày Mười Bảy, tháng Một, năm Một Ngàn Chín Trăm Bảy Mươi Bảy.




Tính từ ngày đi đến ngày về, tôi mất đúng chín tháng mười ngày.






  






[1] Khi hủ lô kéo ngang, sức nặng đè trên mặt ruộng làm trào nước từ hang cá lưỡi húa, nằm sâu chừng hai tấc dưới nền ruộng