Sunday, May 1, 2016



Tại Sao Chúng Ta Thua?

Lại đến 30 tháng Tư. Có một câu hỏi luôn quanh quẩn trong đầu tôi bao năm mà tôi cho rằng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng :“Tại sao chúng ta thua?”. 

Tất nhiên đã có nhiều giải đáp cho câu hỏi này, tùy theo cách nhìn của mỗi người. Câu giải đáp thường gặp nhất là :”Tại người Mỹ bỏ rơi chúng ta” hay có vẻ cay cú hơn :”Tại người Mỹ phản bội chúng ta”. Dễ thật! nhìn thấy lỗi (có vẻ hiển nhiên) của người khác dễ hơn là đào sâu để tìm thấy câu trả lời đúng đắn cho chính vấn nạn của mình.

Xa hơn, chúng ta thường nghe nói đến:
- Nixon thấy khả năng làm ăn với Trung Cộng, mang lại lợi lớn cho Mỹ, nên bắt tay Trung Cộng, bỏ rơi miền Nam.
- Kissinger gốc Do Thái, muốn đem tiền bạc tiêu tốn trong chiến phí Việt Nam giúp Do Thái.
- Dân Mỹ mệt mỏi với cuộc chiến ở Việt Nam, hao tốn sinh mạng thanh niên và kinh tế Mỹ. Người Mỹ không thấy lối thoát trong cuộc chiến Việt Nam.
- Vụ Watergate khiến Tổng Thống Nixon không giữ được lời hứa giúp miền Nam khi Việt Cộng vi phạm hiệp ước Paris 1973, tấn công miền Nam vào mùa xuân 1975.
- Dư luận Mỹ cho rằng Quân đội và chính quyền miền Nam không muốn tự lực bảo vệ mình mà chỉ mong chờ ở Mỹ.
- Chính phủ miền Nam tham nhũng, khiến quốc hội Mỹ không còn muốn giúp miền Nam, cấm Mỹ can thiệp vào cuộc chiến sau hiệp ước Paris 1973.

 Xem ra câu trả lời nào cũng có chỗ đứng của nó, có những lý lẽ để bênh vực cho lập luận của mình. Với người Việt trên dưới bảy mươi đều thấy gần như không chối cãi được, mọi lý do trên đều góp phần cho sự sụp đổ của miền Nam vào tháng Tư Bảy Mươi Lăm.
* * *
Lịch sử cho thấy sự hình thành Quốc Gia Việt Nam là do quốc trưởng Bảo Đại muốn tạo dựng một quốc gia trong Liên Hiệp Pháp. Nhưng sau cuộc trưng cầu dân ý năm 1956, Thủ tướng Việt Nam bấy giờ là Ông Ngô Đình Diệm được bầu làm Tổng Thống. Ông Diệm đã có một cơ hội vô cùng quí báu để xây dựng một quốc gia non trẻ trong khối tự do, và trong giai đoạn đầu ông đã làm được điều đó. Nhưng tính cách quan lại, phong kiến trong việc xây dựng và cai trị đất nước, để thành phần bên dưới lợi dụng uy thế để hạch sách và tham nhũng, ông đánh mất dần lòng tin nơi quần chúng trong nước và nơi bạn bè trên thế giới. Khoảng đầu thập niên 60, công chức miền Nam thấy lương hàng tháng của mình bị trừ một khoản không được báo trước và không rõ ràng, hỏi ra thì được trả lời khoản tiền ấy là để xây dựng thánh địa La Vang. Có thể ông Diệm không ra lịnh này, nhưng thuộc hạ của ông làm để tâng công. Lại nữa, cũng trong thời gian ông làm tổng thống, mỗi lúc chào cờ, sau Quốc Ca là bài suy tôn Ngô Tổng Thống. Ông không thể nói không biết vì chính ông đang đứng trên lễ đài, đang nghe người ta suy tôn mình… Người tổng thống được coi là anh minh như ông Diệm phải cảm thấy xấu hổ, phải biết ngượng khi nghe bài hát ấy. Ông cũng trị nước bằng cách ban ơn phước cho họ hàng, em cháu và những kẻ xu nịnh. Thậm chí những người theo Công Giáo cũng có điều kiện để lợi dụng. Tôi còn nhớ, ngày còn nhỏ, ông cha xứ của họ đạo đến với người nghèo trong xóm tôi, nói với họ: theo đạo đi, mỗi tháng sẽ được nhà thờ phát gạo, quần áo… Gạo phát ra từ trong bao có hai bàn tay bắt nhau: đó chính là Gạo Viện Trợ của nhân dân Mỹ cho nhân dân Việt Nam, không phải gạo dành cho giáo hội. Người ta sẽ nói: đó là do kẻ dưới làm bậy, nhưng Việt cộng sẽ dựa vào đó để có những lý lẽ vững chắc lợi dụng tuyên truyền.

Tôi cho rằng, Việt Nam đã có rất nhiều cơ may để trở thành hùng mạnh nhờ những điều kiện khách quan ở thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông đã để vuột mất cơ hội đó. Có lẽ ông đã chủ quan cho rằng ông là người duy nhất cần cho miền Nam, người khá nhất đã được Mỹ lựa chọn. Ông có công lớn trong bước đầu xây dựng nền tảng cho chế độ dân chủ ở miền Nam và cũng chính ông đã bỏ mất cơ hội tạo dựng sự đoàn kết, đẩy mạnh sự phát triển nền tự chủ cho một quốc gia non trẻ. Cả vùng Đông Nam Á lúc ấy chỉ có ông là người lãnh đạo được kính nể, ông đã tạo được phép mầu trong giai đoạn đầu: diệt Bình Xuyên, thu phục các lực lượng thuộc các giáo phái, kiện toàn những khu dinh điền, khu trù mật, kiến tạo một quân đội tương đối có qui củ, gây dựng một nền kinh tế ban đầu chỉ dựa vào nông nghiệp, sau tiến dần đến sản xuất công nghiệp, dù chỉ mới sơ khai. So sánh với các nước khác trong vùng, Việt Nam lúc đó nếu không hơn thì cũng tương đương với Thái, Phi, Đài Loan, Nam Dương, Singapore và Nam Hàn.  Cho nên sự thất bại của ông phải bị qui trách là ông đã không để mình biến thành người của quần chúng, ông đi dần đến hình ảnh của một nhà lãnh đạo độc tài không nhìn thấy những kẻ xu nịnh quanh mình, dựa hơi để kiếm chác quyền và tiền, chính họ tạo khoảng cách trung ương với quần chúng, gây chia rẽ giữa các thành phần xã hội mà đáng lẽ phải tạo sự đoàn kết để đứng vững.  Cách lãnh đạo của chính quyền miền Nam lúc ấy đã tạo điều kiện cho Việt cộng tuyên truyền, lôi kéo kẻ bất mãn. Biến cố Phật Giáo là một minh chứng rõ ràng nhất. Chúng ta giải thích thỏa đáng thế nào khi một loạt những trí thức miền Nam bỏ ra bưng theo Cộng Sản, theo Mặt Trận Giải Phóng do Bắc Việt tạo nên?  Nếu ông là một lãnh tụ tạo mối đoàn kết mọi thành phần xã hội thì tại sao một số lớn sinh viên, thợ thuyền, nông dân…  ra ngoài bưng theo Việt cộng. Đành rằng kẻ hám danh thời nào cũng có nhưng chúng ta khó giải thích cho ổn sự bỏ đi của nhiều thành phần trong xã hội lúc ấy, có hiểu biết hay năng động, mà đáng lẽ phải cùng nhau “đoàn kết sau lưng Ngô Tổng Thống” như một khẩu hiệu lúc bấy giờ.  Câu trả lời dễ thấy là chính phủ không biết hay không muốn sử dụng họ, trung ương bị che mắt.

Và cũng trong giai đoạn ông làm tổng thống đã hình thành dần sự ỷ lại vào Hoa Kỳ. Một lần, có người quen là một đại úy quận trưởng nói với tôi, lúc đó chỉ là là học sinh đệ nhất ban trung học ”cháu nhìn xem, quân phục của chú từ giày vớ đến cả quần áo lót là của Mỹ, súng đạn của Mỹ, xe cộ, xăng nhớt cũng của Mỹ… ngày nào Mỹ cúp viện trợ, mình lấy gì đánh nhau…” nghe ra thấy cay đắng, mười mấy năm sau câu nói ấy trở thành sự thật. Ông Diệm chắc cũng biết câu “ai chi tiền, người ấy điều khiển; thế lực nào đưa mình lên, thì cũng thế lực đó kéo mình xuống”.  Cho nên không lạ gì khi ông không muốn nghe lời Mỹ nữa, không muốn cho Mỹ đổ quân vào Việt Nam, Mỹ bật đèn cho đảo chánh, đưa một đám biết vâng lời lên, tạo thành cái gọi là Đệ Nhị Cộng Hòa.

* * *
Trong thời đệ nhị Cộng Hòa đó, sau khi lớp tướng lãnh già cỗi chịu ảnh hưởng của Pháp hết uy tín quyền hạn, lui dần về phía sau, thì một số sĩ quan trẻ trong quân đội ý thức được vai trò của mình, nên dù thượng tầng kiến trúc không ra gì nhưng họ đã biết phải chiến đấu cho cái gì, vì cái gì. Tết Mậu Thân, mặt trận An Lộc, mùa hè Đỏ Lửa…  là những hình ảnh kiêu hùng không thể chối cãi của quân đội. Họ đã tạo được ít nhiều tin tưởng trong quần chúng. Người dân cảm thấy an toàn khi chạy về phía họ trong những cuộc giao tranh.  Những đơn vị tổng trừ bị tinh nhuệ của miền Nam đã khiến đối phương phải nể sợ và tránh đụng độ. Mạng lưới bộ binh cấp sư đoàn cộng với hệ thống địa phương quân, nghĩa quân cũng gây khó khăn cho Việt cộng. 

Có điều, chừng đó vẫn chưa đủ, miền Nam còn thiếu cái gì?

Thiếu tinh thần tự cường. Người ta chưa giáo dục được cho người dân lòng tự trọng, lòng tự hào dân tộc.  (Tôi không thích đem các dân tộc khác so sánh với mình, nhưng về phương diện này quả thật chúng ta thua Nhật, Nam Hàn, Singapore rất xa.) Cho nên, xã hội miền Nam cứ từng bước lún sâu vào sự ỷ lại vào người Mỹ.  Một vị Tổng Thống như Nguyễn Văn Thiệu chỉ biết chơi bài thấu cáy khi ra lệnh bỏ cao nguyên, chỉ biết tuyên bố trên các cơ quan truyền thông : Mỹ viện trợ ba trăm triệu, mình đánh giặc theo kiểu ba trăm triệu. Câu này không phải của một nguyên thủ, câu này chỉ nên là câu nói của một người lính đánh thuê. Ông Thiệu không học được gì khi mất Hoàng Sa vào năm 1974.  

Hoàn cảnh xã hội lúc đó tạo nên tâm lý sống chụp giựt, ma mãnh, và tiếp theo là tạo tham nhũng cho những kẻ có quyền, có thế. Một cái ghế tỉnh trưởng tốn bao nhiêu? Một chỗ quận trưởng các quận nội thành Saigon giá bao nhiêu? Có ai chỉ cho chúng ta thấy những người tài giỏi, tốt nghiệp từ các trường Hành Chánh, Chính Trị được đặt vào những vị trí xứng đáng qua một hệ thống tuyển chọn công minh và bình đẳng chưa… Tổng trưởng các bộ Giáo dục, Thanh niên, Xã hội, Nông nghiệp… sao không phải là những người trong nghề mà lại là các người mang chức danh bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư? 

Chỉ trong quân đội, người ta mới thấy những người có đủ chuyên môn ở những vị trí thích hợp. Chúng ta không thấy những bác sĩ, kỷ sư làm tư lệnh sư đoàn, quân đoàn, ngay cả cấp tiểu đoàn hay đại đội cũng không … Ở những vị trí đó, trong mọi quân binh chủng, chúng ta chỉ thấy những người lính chuyên nghiệp, tốt nghiệp từ các trường huấn luyện chuyên nghiệp. Và cũng vì vậy các cấp chỉ huy trong quân đội miền Nam ngày càng nhiều hơn những con người có ý thức, có lòng, chu toàn nhiệm vụ mình một cách nghiêm chỉnh, nhờ sự tôi luyện trong kỷ luật, phần lớn đi lên nhờ tài năng của mình, thay thế cho những gốc cây già cỗi, mục nát từ thế hệ trước. Cho nên khi biến cố Ba Mươi Tháng Tư ập tới như một cơn bão, người dân mới ngơ ngác nhìn các nhà lãnh đạo của mình, các tướng lãnh ở trung ương bỏ chạy trước cùng gia đình, bà con nội ngoại, bỏ mặc cho đất nước bị dày xéo, bỏ mặc bao người cầm súng chiến đấu vào những giây phút cuối cùng, để họ an toàn trốn chạy, bỏ lại biết bao quân nhân công chức cho kẻ thù làm nhục, bỏ lại những người con Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Hồ Ngọc Cẩn, Lê Nguyên Vỹ… khẳng khái tuẫn tiết vì thấy mình không làm tròn bổn phận mình với tổ quốc.  Cũng phải nhắc tới những đơn vị đơn lẽ chiến đấu anh dũng trong cô đơn tuyệt vọng trước khi tan hàng. Trận đánh để đời ở Xuân Lộc, Long Khánh của sư đoàn 18 bộ binh với tướng Lê Minh Đảo, chặn đứng đường tiến tưởng chừng không cưỡng nổi của chiến xa và mấy sư đoàn lính Bắc Việt vào cuối tháng Tư đã chẳng làm cho báo chí thế giới ngạc nhiên đó sao. Rồi trận tử thủ trên cầu Xa Lộ, không phải do những tướng lãnh ở Tổng Tham Mưu đang tìm đường trốn chạy, mà chính là do những người lính rất bình thường.

Tháng Tư lại về, bồi hồi nhớ lại bối cảnh xã hội miền Nam trước kia, để tìm câu trả lời cho câu hỏi nêu ở đầu :” Tại sao chúng ta thua?” để thấy câu giải thích ”Tại người Mỹ bỏ rơi chúng ta” đơn giản quá. 

Và tai hại hơn khi chúng ta không chịu tìm cho ra ”Tại sao người Mỹ bỏ rơi chúng ta?”.  Chúng ta đã làm gì đến nỗi khi trong trận chiến Hoàng Sa 1974, tàu của Đệ Thất Hạm Đội ở gần đó mà bất động (kể cả việc tiếp cứu các thủy thủ); làm gì đến nỗi để người Mỹ muối mặt đứng nhìn Việt cộng coi thường Mỹ trong việc vi phạm hiệp định Paris tấn công miền Nam – Mỹ sợ Trung Cộng đến độ không dám làm gì sao? Hay còn những lý do nào khác? 

Tôi muốn đẩy câu hỏi này xa hơn ”Tại Sao Hoa Kỳ Đã Không Bỏ Rơi Nam Hàn, Nhật, Đài Loan Mà Bỏ Rơi Chúng Ta?”

Câu hỏi này đến nay chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Hòa Đa
Tháng 4 - 2016

No comments:

Post a Comment