Saturday, November 30, 2013

Bông Cúc Vàng và Những Hoài Niệm Xưa



Bông Cúc Vàng Và Những
Hoài Niệm Xưa







Những nụ cúc hé ánh vàng tươi rung rinh đón chào gió sớm. Buổi sáng trời trong và mát lạnh, con người và tạo vật dường như dễ chịu hơn. Những ngày hè oi bức qua rồi, tôi như ngây ngất trước cảnh tạo vật chuyển mình. Giây mướp trên giàn khô héo dần sau khi đã làm tròn bổn phận cho trái trong mấy tháng vừa qua, lá khô hát xào xạt trong gió sớm. Những chiếc lá trên cây hồng giòn cũng bắt đầu trở màu vàng nâu, nũng nịu rời dần thân mẹ, để lại những cành khẳng khiu chờ giấc ngủ đông sắp đến, tuần trước hai ông cháu đã lom khom dưới cây hồng, hái hết những trái cuối cùng, thằng bé cười nắc nẻ lấy rổ hứng mấy trái hồng ông hái ném cho. Những trái bưởi chín vàng ẩn mình trong đám lá, như dấu mình trong gió lạnh sớm mai. Những trái quít trên cây ở góc vườn đang chuyển sang vàng cam bắt mắt… Đất trời đang đổi tiết.

 


***

Thời tiết như vầy ở đây mới chớm Thu nhưng làm tôi nhớ thiết tha đến khoảng thời gian giáp Tết hồi còn ở bên nhà.

·         Buổi sáng thức dậy sớm đi thăm ruộng trong cái gây gây lạnh. Mặt trời lên rồi nhưng vẫn chưa xua hết lớp sương đêm còn đang trải rộng trên cánh đồng bao la, cảnh vật mờ mờ trong màu trắng đục. Hai tay thu gọn trước ngực như cố giữ chút hơi ấm, tôi đi quanh bờ ruộng đang trổ hạt, những bông lúa dài cỡ gang tay đang ngậm sữa, chưa đủ nặng để cong xuống, còn đang phe phẩy trong gió nhẹ ban mai. Chân giẫm trên bờ cỏ gập ghềnh còn ướt đẫm sương đêm, tôi bước đi lòng sung sướng nhìn kết quả lao động của mình. Nước trong ruộng đã được rút lần ra, nền ruộng sẽ khô dần đủ cho đến lúc thu hoạch, đất sẽ ráo hẳn. Cúi xuống khua mạnh bụi lúa gần bờ để kiểm tình trạng rầy bám gốc lúa hay ướm thử nâng niu bông lúa vừa trổ khỏi bao, vẫn còn xanh…“Sương nhiều, nắng to, lúa sẽ chắc hột, năm nay chắc trúng mùa đây…” tôi nghĩ thầm. Gió mát lạnh trong lành ban mai khiến tâm hồn con người như bình thản hơn, khoáng đạt hơn.  Những ngày tháng đó tôi đã sống như một nông dân, học dần từ dân quê chất phát cách sống, cách làm việc… Có những ngày Tết, hồi mới về làm ruộng dù nghèo cũng ráng dành vài lít gạo tráng bánh và đem mấy chiếc bánh bể rách, cuốn dừa rám về trong nỗi vui mừng của các con. Hạnh phúc cho con nhà nghèo trong ruộng không cần đến quần áo đẹp, quà bánh, đồ chơi như trẻ ở chợ.

·   Trời se lạnh cũng làm tôi nhớ lại những lúc co ro trên chiếc xe đạp ôm chờ khách ở đầu chợ, góc đường trong gió đông. Cuộc đổi đời làm nảy sinh những nghề nghiệp mà trước đây không bao giờ tôi nghĩ sẽ xuất hiện ở miền Nam trù phú này. Khi mới đổi về miền Nam làm việc, nhìn thấy những chiếc xe lôi đạp, tôi đã cho đây là một bước lùi của chiếc xích lô đạp của Sài Gòn và các tỉnh miền Trung.  Vậy mà bây giờ phải kiếm sống bằng cách còng lưng chở người trên chiếc xe đạp, kiếm vài đồng lẻ thêm vào với thúng bánh lọt nhỏ nhoi đến độ không thể nào nhỏ hơn nữa của vợ bán quanh xóm, ôi cuộc sống sao mà khiêm nhường và đơn giản đến vậy! Mà còn phải láo liên canh chừng các anh công an, quản lý thị trường nữa chứ, thỉnh thoảng ngứa mắt bắt chơi vài thằng kiếm ăn trên đường phố để chứng tỏ mình là người có quyền, để nghe bọn nó năn nỉ, xin xỏ, để được lên lớp với chúng rằng trong xã hội mới, con người phải đổi mới cho phù hạp với thời đại mới.

·   Cũng những lúc trời trở heo may, lạnh như lúc này tôi lại nhớ đến những ngày tháng lao động trong gió buốt, không biết ngày về trong các trại tù có mỹ từ là trại cải tạo. Với dao, búa thô sơ những con người khô đét vì đói lạnh đó đã phải phá rừng, những khu rừng ngập nước của vùng cửa sông Cửu Long. Với xẻng, vá và sức người gầy gò trong những tấm áo rách bươm, họ phải đào đất đắp đường ngăn rừng, làm bờ bao ngạn cho công trình đánh bắt tôm xuất khẩu, và những con người đầy “tội lỗi” đó được nuôi ăn bằng khẩu phần mỗi ngày một lon gạo hẩm, mốc và đầy sâu mọt. Cơ giới của miền Nam ngày trước đã biến mất từ lúc đổi đời. “Lao Động là Vinh Quang”, nhưng lao động cưỡng bức chẳng thấy gì vinh quang, chỉ ngậm nghe uất hận trong lòng; mà khẩu hiệu đó nghe sao giống khẩu hiệu “Lao Động để giải phóng con người” trên các trại tập trung Do Thái của bọn Phát Xít Đức được mô tả trong tiểu thuyết Giờ Thứ Hai Mươi Lăm của C. Virgil Gheorghiu.

                                “Bàn tay ta làm nên tất cả
                                Với sức người, sỏi đá cũng thành cơm”

Họ nói vậy! Con người đã nhân danh những mỹ từ không có thật để hành hạ, làm nhục người khác, lợi dụng sức lao động rẻ tiền để xây dựng một xã hội còn mang nhiều bất công hơn cái xã hội mà họ nguyền rủa là chỉ gồm đĩ điếm chạy theo đế quốc. Họ không có sức mạnh của người thắng trận, họ sợ những người đã thua trận.

·   Những lúc trời trở lạnh luôn làm tôi nhớ đến những ngày còn trên bục giảng của một trường trung học trong những ngày giáp Tết. Thời gian này, các trường in đặc san xuân rồi bán cho nhau, trường nào cũng có những đoàn bán đặc san của trường mình cho trường bạn, một thứ sinh hoạt không thể thiếu trước ngày các trường nghỉ Tết. Học sinh không còn muốn nhét vào đầu những kiến thức khô khan của các môn học, thầy giáo cũng không nỡ giảng bài trong không khí háo hức của học sinh. Họ ca hát, ngâm thơ, kể chuyện… cho nhau nghe. Họ buông thả sau hơn ba tháng học tập, họ tổ chức liên hoan, chụp hình kỷ kiệm, lưu luyến chia tay nhau về ăn Tết, dù chỉ xa nhau chừng mươi ngày. Buổi chiều cuối cùng, đứng ở cửa sổ phòng giáo sư, nhìn giòng học sinh chảy dần ra cổng, những tà áo dài trắng cuối cùng uốn lượn trong nắng chiều đang se lạnh, sân trường vắng dần, lòng thấy trống rỗng, như thiếu thốn cái gì… Rồi ngày mai, mình cũng về Sài Gòn, gặp lại gia đình, gặp lại người thân, bỏ lại ngôi trường vắng tiếng nói cười, vắng hơi người; các hành lang lớp học lặng lẽ trong hơi lạnh chiều đông.

·   Trời trở lạnh, ở tuổi học trò mới lớn, tôi mê mãi âm thầm bước theo chân người con gái cùng trường, người con gái có mái tóc dài ngang lưng, với chiếc nón lá hững hờ, với chiếc áo ấm màu tím hay màu huyết dụ chỉ cài hờ hững một hột nút trên cùng, che một phần chiếc áo dài trắng. Cả hai không ai nói với ai lời nào, nàng luôn đúng giờ, tôi không bao giờ lỡ “hẹn”, lúc nào cũng lẽo đẽo theo sau một đoạn. Để làm gì? Không biết – Chỉ biết bữa nào không gặp là lòng bứt rứt không yên. Trường ở ngoài rìa thị xã, con đường lên trường là con đường duy nhất, giờ này nắng đã lên, nhưng không xua được cái lạnh không lạnh lắm của một tỉnh lỵ ven biển, chỉ đủ để các cô cậu học sinh khoe áo ấm. Con đường Nguyễn Hoàng dẫn lên trường đầy học trò và chỉ nhộn nhịp vào những giờ học sinh đến hay tan trường.  Tiếng guốc gõ đều đặn của nàng trên đường như những nhịp nhạc trong lòng tôi. Nàng đi, bình thản trò chuyện với bạn, cặp ôm trước ngực, làm như không biết tôi đi phía sau, nhưng mọi người trong lớp đều biết nàng có một cái đuôi, và có lẽ nàng cũng biết điều đó. Tôi không biết tại sao? Bây giờ nhớ lại, tôi thấy mình trẻ con và buồn cười.

·   Trời gây lạnh cũng đưa tôi về với tuổi thơ, nhà chỉ toàn anh em trai, chiều chiều ngồi nhìn mẹ làm mứt, bên ngoài gió hú từng cơn qua mái nhà, chờ xong nồi mứt, chia nhau chút đường cháy khét, chút mứt vụn còn sót lại ở đáy nồi, tận hưởng cái chua ngọt của mứt me, cay nồng của mứt gừng, ngọt ngào của mứt bí… hay những đêm trải chiếu nằm chờ cạnh bếp lò củi cháy rực rỡ ấm áp dưới nồi bánh tét, rồi ngủ quên cho đến hôm sau. Những ngày trước Tết, mẹ cho mấy đồng dẫn mấy em ra tiệm hớt tóc duy nhất trong thị trấn chờ hớt tóc ăn Tết, và lần nào ông thợ cũng bảo “tụi mày nhỏ, ngồi chờ thêm chút nữa, tao hớt cho ông này xong tới tụi mày” mà ngày Tết, khách hớt tóc nhiều hơn ngày thường nên lần nào về nhà cũng bị cốc đầu oan uổng vì bị nghi là rong chơi.

·   Một lần trong một đêm đông ở một làng quê nghèo nàn tận miền Trung, cái đêm đông đẹp đẽ trong bài hát của mùa Giáng Sinh “Đêm Đông lạnh lẽo Chúa Sinh ra đời,… nằm trong Hang Đá nơi Máng Lừa”, nhà Thờ sáng choang ánh đèn hang đá có Chúa Hài Đồng. Trời lạnh ác liệt, gió thổi tung lá trên đường, mẹ chuyển bụng, cha vắng nhà. Mẹ lay hai anh em thức giấc, giao cho chiếc đèn lồng, dặn xuống mời cô mụ ở cuối thôn… Gió cuốn thúc vào hai thân hình còm cõi co ro trong manh áo mong manh, quấn trong tấm chăn tơi tả.  Mẹ sanh em bé gái trong cảnh nhà không tiền, không gạo, cha đi làm xa chưa về. Em bé cọ quậy trong chiếc khăn lông, mở một mắt nhìn những gương mặt của mấy anh trai vây quanh, tò mò quan sát một sinh vật bé nhỏ vừa mới trở thành thành viên mới của gia đình. “Anh Cu Anh, nó nhìn em kìa” thằng em kêu lên mừng rỡ, khi bắt gặp tia nhìn của đứa em gái duy nhất trong nhà, qua ánh đèn dầu leo lét. Bên ngoài, gió vẫn lồng lộn từng cơn, xua đám lá khô bay tơi tả.

***

Mấy bụi cúc vàng sau nhà như chờ gió lạnh về để hé nụ. Trời ngày càng lạnh dần, phải thu xếp lại mấy chậu hoa để che chắn giá rét.

 
Những cơn gió lạnh ban mai, mơn man da thịt như gợi lại trong tôi kỷ niệm của những mùa lạnh khó quên trong quá khứ. Phải viết lại thôi, sẽ không còn nhiều thời gian nữa!

Đời người rồi cũng qua mau; tóc đã điểm sương, tôi còn được mấy mùa lạnh nữa để sống về quá khứ?


Houston tháng 11/2009



No comments:

Post a Comment