Friday, December 6, 2013










Hội Chứng Ông Đồ

Hòa Đa





                                                             Mỗi năm hoa đào nở
                                                           Lại thấy ông đồ gìà  
                                                            ...        

                                                                     Vũ Đình Liên

                                   





            Cứ mỗi độ xuân về, lòng người lại mở ra đón chào năm mới với bao ước mơ, hòa nhịp với đất trời vào xuân.  Trong những buổi chợ Tết, người ta mua sắm các thứ cần thiết cho ngày lễ lớn của dân tộc. Với thếp giấy, bút lông, nghiên mực, một cụ Đồ với áo dài the đen ngồi nắn nót những đại tự, liễn, đối.  Hình ảnh Ông Đồ già của Vũ đình Liên ngày nào chỉ còn lại trong ký ức của những người trên dưới 60, những người đã từng nhìn thấy ông Đồ trong những phiên chợ Tết ngày nào, mang hết tài năng của mình để cống hiến cho người dân thường những lời chúc Phúc Thọ Tài Lộc qua 

                        Hoa tay thảo những nét
                        Như phượng múa rồng bay

            Hình ảnh nên thơ đó của ngày nào cũng phôi pha dần theo năm tháng. Mong ước của con người vẫn muôn thuở há chẳng là Hạnh Phúc, Sức Khỏe, Tiền Tài, Quyền Lực đó sao, nhưng sự tiến hóa của xã hội là một chuyển động đi tới; mà hình ảnh của ông Đồ lại là một biểu tượng cho quá khứ. Ngay cả thời đó, tiền bán thế kỷ 20, mà

                        Nhưng mỗi năm một vắng
                        Người thuê viết nay đâu?



            Toàn bài thơ là một lời than tiếc thê lương cho một thời huy hoàng hay lời cám cảnh não nề cho một thành phần của xã hội bị đời bỏ quên?  Chỉ có tác giả mới có thể cho chúng ta biết ông định nhắn nhủ gì. Duy chỉ một điều, có lẽ chỉ là một trùng hợp lý thú, là chúng ta đã tìm thấy rất nhiều hình ảnh thê lương của ông Đồ trong buổi giao thời xa xưa ấy trong chúng ta, những con người đang hăm hở bước vào thiên niên kỷ mới.


            Có một thời, ông Đồ là lớp người được kính trọng nhất trong thang giá trị của xã hội Việt Nam. Ông là người mang kiến thức, chữ nghĩa đến cho trẻ trong làng. Làng nào khá giả, hay có người khá giả, mới có khả năng rước một ông Đồ về, mong cho đám trẻ trong làng ăn mày chút chữ nghĩa Thánh Hiền. Trẻ con có điều kiện ở các làng bên cũng gắng mà đến học. Cũng có những bậc túc nho, lận đận với công danh, mở trường dạy học. Ở vào thời mà hệ thống giáo dục coi như không có gì đó thì vai trò của ông Đồ quả là đáng kính trọng, không một ai trong vùng dám coi thường ông Đồ. Họ còn dạy cho con phải kính trọng ông vì ông là biểu tượng cho sự hiểu biết.  Chỗ ngồi của ông trong làng là chỗ ngồi cao nhất vì ông đứng thứ nhì trong thứ tự Quân, Sư, Phụ. Trong làng, khi gặp việc quan hôn tang tế, người ta thành khẩn đến xin ý kiến.  Ông đọc sách, biết nhiều điển tích, ông hành xử như một người hướng đạo cho lớp dân thường dốt nát. Ông là biểu tượng cho đạo đức, cho người theo đạo Thánh Hiền.  Ông dạy cho người dân những ý niệm về Tam Cương, Ngũ Thường. những ý niệm giúp duy trì xã hội phong kiến tồn tại cho đến cuối thế kỷ 19. Sự đóng góp của thành phần này cho xã hội dưới thời phong kiến không thể không kể đến.  Lúc hàn vi, dù sống thanh bạch, đạm bạc ông đã cống hiến cho đời những gì tốt đẹp nhất, vừa gíúp chuyển tải kiến thức đến lớp người sau vừa tự đào luyện mình, mai này thành đạt, bảng hổ đề danh, đem sở học của mình, phục vụ cho Vua, cho dân, cho nước.  Kể từ lúc chịu ảnh hưởng văn hóa phương Bắc, giai cấp nho sĩ phần nào đã là một gạch nối giữa chính quyền trung ương với lớp dân đen cùng khổ. Lớp quan lại ngày trước đều xuất thân từ giai cấp nho sĩ này. Giai cấp nho sĩ đứng đầu trong thang xã hội thời đó: Sĩ, Nông, Công, Thương nên rất được xã hội nể trọng:

                        Muốn sang thì bắc cầu kiều.
                Muốn con hay chữ phải yêu lấy Thầy

Hay

                        Chẳng tham ruộng cả ao liền
                Tham vì cái bút cái nghiên anh Đồ.


            Vị trí đó của giai cấp nho sĩ có lẽ sẽ tồn tại vĩnh viễn nếu như không có làn sóng tìm, chiếm thuộc địa của những nước phát triển Âu châu. Từng đoàn thương thuyền của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Hòa Lan ... từ châu Âu tỏa ra khắp thế giới từ thế kỷ 19 đã làm xáo trộn mạnh xã hội những nước nhược tiểu. Nho sĩ nước ta nói chung đã không chuyển biến kịp với thời đại và sơ cứng trong lớp vỏ cố hữu của mình, đã không cứu được thể chế phong kiến và đã để lộ nhược điểm của những người chỉ sống trong sách vở. Một số rất ít cũng đã ý thức được sự yếu kém của một nền giáo dục lỗi thời, kinh sách chất đầy bụng mà thực chất không có gì đã cố tìm một lối thoát khác. Tuy lực bất tùng tâm nhưng họ cũng gây được ít nhiều ảnh hưởng trong các thế hệ sau.  Phần đông còn lại chỉ ngậm ngùi tiếc nuối cho một thời dĩ vãng vàng son. Họ đã đứng lại bên lề của xã hội để nhìn bánh xe tiến hóa quay, tuy rất chậm, nhưng không cưỡng lại được. Và khi càng không thể hòa nhập được với xã hội mới, họ lại càng cảm thấy thời cũ ngày xưa là huy hoàng rực rở, và họ lại càng cảm thấy bị xã hội bỏ rơi nhiều hơn. Còn chăng đây đó dăm ba vị cùng hoàn cảnh, thỉnh thoảng cùng ngồi lại với nhau, ngâm hoa, vịnh nguyệt hay ngậm ngùi cho một thời đã qua.  Đọc Vang Bóng Một Thời của Nguyễn Tuân, chúng ta tìm thấy rất nhiều hình ảnh bi thương ấy trong những bài Chữ Người Tử Tù, Cái Ấm Đất, Hương Cuội... Và Vũ Đình Liên cũng đã tinh tế khi viết:

                                    Ông Đồ vẫn ngồi đấy
                                    Qua đường không ai hay

            Lẽ nào trong một phiên chợ Tết tưng bừng, đông đúc người mua sắm hay Bên phố đông người qua là thế mà một hình ảnh đầy thi vị, văn hóa và vô cùng lạ mắt như hình ảnh một ông đồ ngồi viết những đại tự, liễn, đối lại không ai hay, không ai biết? Phải chăng tác giả đã cám cảnh cho một hình ảnh thê lương của một nền Nho học trong buổi tàn thời? hay tác giả đang trách cứ nhẹ nhàng thế thái nhân tình? - Có phải tính quay lưng lại dĩ vãng là một thuộc tính của dân tộc ta? Có phải trong thâm tâm người Việt chúng ta có sự chối bỏ dễ dàng hay quay mặt lạnh lùng đối với những người yếu thế, lỡ vận? - Tất cả là không, có phần ngược lại nữa là khác.  Nhưng mặt khác, một đặc tính vô cùng nổi bật của người Việt là sự tiếp nhận, có phần hơi dễ dãi, những gì mới; thu nhận và hóa giải để bổ sung vào cái chúng ta đang có. Chỉ cần quan sát sinh hoạt hàng ngày của người Việt, chúng ta thấy ngay điều ấy; ngày trước hết theo Tàu, sau theo Nhật quân phiệt, Pháp, Mỹ, bây giờ theo cả Nhật tư bản, Hàn, Thái, Mỹ...


            Do vậy mà những người vì một lý do nào đó chấp nhận đứng lại bên lề bánh xe tiến hóa của dân tộc đều bị rớt lại phía sau.  Người Việt chưa chấp nhận dễ dàng những cải cách quá nhanh. Những gì manh tính chất cách mạng đều khó thành công, nếu không muốn nói là không thành công. Nhưng người Việt chúng ta cũng không thích ngồi ôm cái quá khứ để sầu hận, tiếc thương, cho nên chúng ta thấy một thiểu số vì một lý do nào đó cứ mang mãi trong lòng sự nuối tiếc một quá khứ đầy ưu đãi đều có chung một thứ mặc cảm, ám ảnh mà chúng tôi tạm mượn chữ của y học để diễn tả: Hội Chứng (Syndrome) ; và cũng vì Ông Đồ mà Vũ Đình Liên đã mô tả qua bài thơ cũng có cùng thứ mặc cảm và ám ảnh đó nên chúng ta gọi đó là Hội Chứng Ông Đồ.

            Thật vậy, cái vinh hay cái nhục - tùy theo cách nhìn của bên kia hay bên này - của tháng Tư Bảy Lăm đã trôi qua lâu rồi mà vẫn còn một số người cứ nghĩ đến thời huy hoàng cũ của mình mà đã quên rằng thời thế của mình đã trôi qua lâu rồi.


            Người Cộng sản có sẵn mặc cảm tự tôn là người thắng trận, luôn đưa ra thành tích thắng Pháp 1954, thắng Mỹ 1975, ngăn Tàu Cộng 1979 mà không thể nhìn thấy sự mất mát vô cùng to lớn trong tình tự dân tộc, sự rách nát của một xã hội nghèo đói, lạc hậu, sự thụt lùi hàng thế kỷ so với nhân loại của dân tộc chúng ta.  Những thành tích trên của họ chứng minh được gì? - Những tư tưởng già nua ở Trung Ương Đảng mang nặng mặc cảm với sự đổi mới, cho rằng làm thế là đầu hàng tư bản, chỉ canh cánh mối u hoài đối với cái gọi là tư tưởng Mác-Lênin đã không còn chỗ đứng trên thế giới. Hàng năm, hay cứ hàng năm năm lại bày nhừng thứ mực tàu giấy đỏ mượn từ đâu đó xa lắc bên Anh, bên Nga, từ thế kỷ trước hay từ hồi đầu thế kỷ bên phố đông người qua.


Cũng vậy, một số người Quốc Gia lưu vong vẫn còn nghĩ rằng mình là Sĩ quan hay viên chức cao cấp cũ, lúc nào cũng nhớ về cái ngày xưa vàng son ấy mà vô tình hay cố ý quên đi thực chất của những người vì lý do này hay lý do khác đã là những kẻ chiến bại, phải bỏ cả quê hương, mồ mả Ông Cha để làm người tỵ nạn trong vòng tay bao dung của kẻ khác. Họ quên một điều là ngày trước với quyền lực, đất đai, vũ khí... họ đã không ngăn được kẻ thù, đã bỏ của chạy lấy người, để lại nổi thống khổ nhục nhằn cho những đồng đội còn kẹt lại; để lại sự điêu linh cho quần chúng vô tội. Cái uy quyền mà họ đã từng có ngày nào (như nét tài hoa mà ông Đồ đã từng có) nay đã không còn dùng vào chỗ nào nữa ngoài việc thỉnh thoảng lại bày ra bên phố đông người qua mong gợi lại sự chú ý của đám đông về sự hiện diện của mình. Họ cũng cố thảo những nét rồng bay phượng múa, mong được sự ngợi khen. Than ôi rồi chỉ còn giấy đỏ buồn không thắm, mực đọng trong nghiên sầu, vì có một điều rất rõ (mà họ không chịu nhìn ra) là ...mỗi năm một vắng, người thuê viết nay đâu.  Có còn chăng là lòng thương hại của quần chúng dành cho một lớp người có thời đã từng ăn trên ngồi trước trong thang giá trị của xã hội miền Nam.

            Ông Đồ với những đại tự Phước, Lộc, Thọ; những liễn, đối sơn son thếp vàng; người Cộng Sản với những khẩu hiệu, những chỉ tiêu, báo cáo lừa trên gạt dưới; người Quốc Gia với những tuyên ngôn dao to búa lớn, những tuyên bố rỗng tuếch, những đấu đá thiếu đạo đức... Họ có những cái giống nhau: trước được mọi người kính nể, trọng vọng; nay hầu như bị đời bỏ quên.  Và họ có chung một chứng bệnh: không nhận thấy quanh mình đã có những biến đổi sâu sắc, họ đã không thể hòa nhập được với cái biến đổi ấy, họ không có gì mới để cung cấp cho quần chúng, họ chỉ sống trong cách cũ của họ, chỉ mang đến cho quần chúng những trang trí không hợp thời, những thứ một thời đã tạo cho uy thế cho họ đối với xã hội.

             Đã có những Ông Đồ bị chìm trong quên lãng, rồi sẽ có những người mang Hội Chứng Ông Đồ cũng mất đi trong uất ức hay nhận lấy sự lãnh đạm của đám đông. 


                                    Ông đồ vẫn ngồi đấy
                                   Qua đường không ai hay
                                   Lá vàng rơi trên giấy 
                                  Ngoài đường mưa bụi bay


            Duy chỉ một điều, ngày xưa, trong buổi tàn thời ấy, quần chúng còn cảm nhận ít nhiều xót xa cho thân phận ông Đồ, những kẻ mang chút tài hoa của mình cho đời, còn những người như chúng ta đang mang Hội Chứng Ông Đồ ngày nay có còn tạo được ít nhiều thương cảm nơi quần chúng? Điều bi thảm là khi quần chúng không còn thấy thích thú vì chỉ nhận được sự lặp lại đến nhàm chán thì họ bắt đầu quên lãng.


Bây giờ hình ảnh Ông Đồ chỉ còn lại trong văn học, chỉ những người chuyên khảo cứu về văn học Việt Nam may ra còn có chút duyên nợ với Ông Đồ. Thì cũng thế, mươi năm  nữa, chỉ những nhà sử học chuyên về Việt Nam mới có dịp nhắc đến những người mang hội chứng Ông Đồ.

                                                              
                                    Những người muôn năm cũ
                                    Hồn ở đâu bây giờ.



           


1 comment: