Sunday, December 15, 2013



San Hậu

Tuồng San Hậu:
Tuồng cổ trang Việt Nam, cải lương pha hát bội.
Nghệ sĩ Thanh Tòng dạo diễn.
Các vai chính:
Hoàng hậu Tạ Ngọc Dung: Thanh Hằng
Thứ phi Phàn Phụng Cơ: Ngọc Huyền
Tam cung Tạ Nguyệt Kiểu: Thoại Mỹ
Phàn Định Công: Thanh Tòng
Các võ tướng Đổng Kim Lân: Vũ Linh; Khương Linh Tá: Linh Tâm
Ấu quân, con Phàn Phụng Cơ: Vũ Luân


Tôi vẫn có suy nghĩ: “Chính những soạn giả Cổ Nhạc là những người mang những ý niệm đạo đức Trung Hiếu Tiết Nghĩa đến với người bình dân chớ không phải những trang sách khô khan, những giáo huấn có tính khuôn sáo”.

Tình cờ xem lại tuồng cổ San Hậu trên YouTube, (do Thanh Tòng đạo diễn với giàn nghệ sĩ mới: Thanh Hằng, Vũ Linh, Ngọc Huyền, Thoại Mỹ… thủ diễn) mới thấy soạn giả ngày trước đã mang hết những giá trị đạo đức đã từng là những giềng mối đạo đức đến với người bình dân. Cho dù cách diễn đạt có thể chỉ còn thích hợp với những cụ ông cụ bà trên dưới 80 mà bây giờ không còn mấy ai, vì tuồng được soạn từ hồi đầu thế kỷ 20. Tuy tuồng có thể không còn thích hợp với những hình thức giải trí mới của người thưởng ngoạn bây giờ, nhưng tuồng vẫn có đủ hết những giá trị Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín; Tam Cương, Ngũ Thường, vẫn có những màn tả diễn tả tình cảm thắm thiết bằng cải lương, hay những những màn trình diễn biểu lộ sự hào hùng của hát bội, hầu hết được quay với những ngoại cảnh. 

Tương truyền, tuồng San Hậu do đức Tả Quân Lê Văn Duyệt soạn thành tuồng hát bội, lấy bối cảnh một triều đình phong kiến (Tề quốc nào đó) với những mưu mô bẩn thỉu để tranh quyền đọat lợi nơi hậu cung và cướp ngôi, đẩy ấu chúa, con thứ phi Phàn Phụng Cơ, giọt máu duy nhất của nhà vua lưu lạc, thứ phi điên loạn… Cuối cùng, mẹ con gặp lại nhau. Tất nhiên tuồng kết có nhân có hậu. Ấu chúa trở về lên ngôi vua, nhưng lại tha chết cho những người ngày xưa đã phạm lỗi. 

Tôi còn nhớ, hồi còn rất nhỏ, vẫn thường nghe ké với người lớn tuồng San Hậu, thu trên dĩa đá 32 vòng chạy trên máy hát quay tay. Dân cả xóm quay quanh máy hát dĩa duy nhất trong xóm, nghe say sưa tuồng hát, cùng khóc cùng cười với cốt truyện, đủ biết những những tác dụng tích cực của tuồng hát đến quần chúng cao đến mức nào. Không biết ngày đó đào kép nào thủ diễn, nhưng đến trước 1975 có một vở cải lương San Hậu (soạn giả: Duy Lân, đạo diễn: Nguyễn Văn Đông) do các đào kép hàng đầu lúc đó thủ diễn (Thanh Nga vai Tạ Nguyệt Kiểu, Hữu Phước vai Đổng Kim Lân, Ngọc Giàu vai Phàn Phụng Cơ, Phượng Liên vai Tạ Ngọc Dung…)

Khi đọc những lời bình luận của người xem vở tuồng cải lương pha hát bội của Thanh Tòng trên You Yube, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy gần 100% những bình luận được viết bằng tiếng Anh và đưa ra những nhận xét rất đúng, chứng tỏ họ nghe và hiểu tiếng Việt tường tận, dù có nhiều đoạn pha hát bội, lời diễn gần như bằng chữ hán, văn biền ngẫu… Nếu bạn muốn xem trọn bộ vở tuồng này (do Thanh Tòng đạo diễn) bạn cần bỏ ra hơn 5 giờ để thưởng thức.

Chỉ tiếc ngày nay không còn tìm thấy các loại hình giải trí thấm vào lòng người như vậy nữa.

Trong nước, show hài lan tràn trên các sàn diễn đã đẩy lui các tuồng cải lương vì không còn khán giả và đất diễn.

Ở hải ngoại chỉ có những show ca nhạc với những bài hát nói về tình phụ, phụ tình, xen lẫn với những màn quảng cáo thương mại có chút tính rẻ tiền của việc đố nhạc lãnh thưởng, đầy tính thương mại nhưng luôn tự mãn vì cho rằng mình là cơ sở giữ gìn văn hóa Việt Nam… Lâu lắm mới thấy một show ca nhạc có chủ đề.

Người ta tìm giải trí qua các loại phim nhiều tập Hàn Quốc kéo dài ba bốn chục dĩa, với những chuyện tình tay ba, tay tư chồng chéo, phản bội, trả thù… chỉ chú trọng đến lượng hơn phẩm.

Hòa Đa
15 tháng 12, 2013

No comments:

Post a Comment